Đầu năm 2018, khi Mỹ ra quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu của Việt Nam từ 3,78 – 7,74 USD/kg, các doanh nghiệp (DN) đều cho rằng mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra khoảng 2 – 2,2 tỷ USD trong năm nay khó trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, đến giờ phút này, kết quả cho thấy ngành cá tra đã hoàn thành mục tiêu.
Đối thủ ngày một nhiều
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11, XK cá tra vẫn tăng trưởng ở mức cao là 32%, đạt 212 triệu USD, qua đó đưa kim ngạch XK cá tra trong 11 tháng đạt trên 2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên, giá trị XK cá tra vượt mốc này.
Bộ NN&PTNT đánh giá, năm 2018, XK cá tra có khả năng đạt mức 2,2 tỷ USD, là đỉnh cao mới của ngành chế biến, XK cá tra.
Tuy nhiên, trong niềm vui phấn khởi, ngành cá tra Việt Nam đang đối mặt với nỗi lo hiện hữu khi Trung Quốc – thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất, đang hướng tới phát triển ngành cá tra.
Trong Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản tháng 12 của Bộ Công Thương cho biết sản lượng cá tra của Trung Quốc năm 2018 có thể đạt 30.000 tấn với mức giá cạnh tranh hơn so với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Công ty Zhanjiang Shimei Aquati (Trung Quốc) đã báo giá cá tra phi lê cỡ 340 - 680 gram/con ở mức 16,1 - 16,2 NDT/kg (tương đương 2,32 – 2,38 USD/ kg), thấp hơn so với giá nhập khẩu từ Việt Nam do không phải trả thuế nhập khẩu.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Quảng Tây là tỉnh đầu tiên của Trung Quốc nuôi cá tra. Năm 2017, sản lượng cá tra tại tỉnh Quảng Tây vào khoảng 5.000 tấn. Sau đó, phong trào nuôi cá tra lan sang tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hải Nam.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), cho biết trước đây, trên thị trường cá thịt trắng ở Mỹ, giá cá tra luôn thấp hơn cá rô phi khoảng 5-6 cent/kg. Năm nay, lần đầu tiên, giá cá tra đã cao hơn cá rô phi với khoảng cách chênh lệch tới 1 USD/ kg. Tại thị trường Trung Quốc – nước nuôi và XK cá rô phi hàng đầu thế giới, giá cá tra cũng cao hơn cá rô phi.
Chính vì vậy, nhiều nước trong khu vực đang ngày càng quan tâm hơn tới con cá tra. Có những nước trước đây Chính phủ từng có chương trình phát triển cá tra nhưng không thành công nên đã tạm dừng, giờ lại quay trở lại với loài cá này. Ở một số nước khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Bangladesh…, nhiều DN thủy sản, thức ăn chăn nuôi cũng đã chủ động đầu tư vào con cá tra.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, bày tỏ lo lắng về đầu ra của ngành cá tra trong thời gian tới. Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đang mở rộng diện tích nuôi cá tra trong tương lai có thể chưa cạnh tranh trực tiếp với XK cá tra của Việt Nam, nhưng cũng không nên xem thường vì nếu những quốc gia này tự cung, chắc chắn họ không nhập hàng của Việt Nam.
"Hơn nữa, một khi những nước này đã sản xuất được cá tra thịt trắng và sản lượng cá tra tăng cao, chắc chắn cá tra Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh không nhỏ trên thị trường cá tra toàn cầu", ông Quốc đánh giá.
Nếu không đổi mới, ngành cá tra Việt Nam sẽ bị đối thủ vượt qua |
10 năm chưa xong thương hiệu
Đặc biệt, dù đi sau song các quốc gia này đang cho thấy cách làm bài bản. Tại triển lãm Seafex tổ chức ở Dubai (UAE) từ ngày 30/10 đến 1/11, Hiệp hội Doanh nhân cá da trơn Indonesia đã cho ra mắt thương hiệu cá tra với mục tiêu xâm nhập vào thị trường Trung Đông.
Thông qua khẩu hiệu "cá tra Indonesia – sự lựa chọn tốt", cá tra Indonesia đang được giới thiệu ra thế giới là sản phẩm được nuôi bằng chế phẩm sinh học, sử dụng nước ngầm sạch với mật độ nuôi thấp.
Cùng với Indonesia, các nhà sản xuất cá tra Trung Quốc cho biết, nghề nuôi cá tra tại nước này mới bắt đầu nhưng với kinh nghiệm ngày càng tăng, phương pháp canh tác và công thức thức ăn chăn nuôi tốt hơn, sản lượng sẽ tăng. Năm tới, sẽ có nhiều nông dân nước này chuyển sang nuôi cá tra.
Các chuyên gia đánh giá, ngành cá tra nội địa của Trung Quốc đã cất cánh trong năm 2018. Đặc biệt, quốc gia này đang đẩy mạnh chế biến cá tra trên khắp cả nước với hơn 20 nhà máy.
Gần đây, Tập đoàn Guangdong Evergreen, một trong những công ty nuôi trồng và chế biến thức ăn lớn nhất Trung Quốc, cho biết dự kiến sẽ chế biến 7.000 tấn cá tra trong năm nay và nông dân đang nỗ lực để nuôi cá.
Trong khi đó, nhìn lại Việt Nam, cá tra luôn được xem là mặt hàng XK chủ lực nhưng vấn đề con giống, thương hiệu, công nghệ chế biến… vẫn còn bỏ ngỏ. Ông Quốc cho biết xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam đã được bàn từ cách đây 10 năm nhưng đến nay mới dừng ở chuẩn bị đăng ký thương hiệu. Việt Nam đang làm quá chậm.
"Mua bán mà không có thương hiệu thì mua bán với ai? Muốn cạnh tranh phải xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam, từ đó mới đẩy mạnh xúc tiến thương mại, loại bỏ các chương trình truyền thông bôi xấu cá tra Việt Nam", ông Quốc cho biết.
Cùng với đó là đẩy mạnh chất lượng con giống, nghiên cứu đưa công nghệ vào sản xuất thức ăn, liên kết chuỗi sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt, phải đưa công nghệ vào khâu chế biến, từ đó đa dạng hóa sản phẩm cá tra và nâng cao giá trị.
Theo ông Quốc, tất cả giải pháp này cần phải làm đồng bộ. Có như vậy mới giữ vững được khả năng cạnh tranh của cá tra Việt Nam, không chỉ với cá tra của các nước khác mà còn với cả các mặt hàng cá thịt trắng như cá rô phi, cá tuyết…
Bà Trương Thị Lệ Khanh cho rằng với những lợi thế sẵn có về thiên nhiên, trình độ nuôi, chế biến…, các DN cần tạo ra sự khác biệt của cá tra Việt Nam về mặt chất lượng. Bên cạnh đó, ngành cá tra từ nuôi đến chế biến vẫn còn nhiều tiềm năng để giảm giá thành sản xuất.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có chính sách kiềm chế không để bùng nổ về sản lượng như đã từng xảy ra cách đây 10-12 năm. Mặt khác, cần đảm bảo chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Đó là bài học của mỗi DN cũng là bài học chung của toàn ngành.
Lê Thúy
Ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc CTCP Thủy sản Trường Giang Mức độ nuôi cá tra của Trung Quốc hiện còn nhỏ lẻ nhưng nếu giá cá tra tiếp tục duy trì ở mức cao, Trung Quốc chắc chắn sẽ nuôi nhiều hơn. Như vậy, các cơ quan chức năng Việt Nam cần phải có nhận định và cảnh báo cho các DN và người chăn nuôi về thông tin, tránh mở rộng diện tích ồ ạt, dẫn tới bế tắc đầu ra. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep Đối với thị trường Trung Quốc – thị trường lớn của Việt Nam, hiện nay vận chuyển sản phẩm cá tra từ Đồng bằng sông Cửu Long đi đường biển tới Thượng Hải, Thâm Quyến, cũng bằng thời gian vận chuyển bằng đường bộ đi qua biên giới phía Bắc. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN đẩy mạnh XK chính ngạch sang Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc kiểm tra chặt nhập khẩu qua đường biên mậu, đầu ra cho cá tra vẫn không ảnh hưởng nhiều. Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Việc xây dựng hình ảnh cho con cá tra đang làm quá chậm. Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần đẩy mạnh việc này nhanh hơn. DN mong rằng cơ quan chức năng phải làm sớm điều này, nếu làm chậm trễ như thời gian vừa qua, chắc chắn chúng ta sẽ thua đối thủ. |