Việc thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra một thị trường rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam, với thuế suất ưu đãi 0%. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp (DN) may mặc, để tận dụng thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn do khó đáp ứng được những ràng buộc về quy tắc xuất xứ.
2/3 lượng sợi phải xuất khẩu
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết sản phẩm xuất xứ Việt Nam hiện nay chủ yếu là đồ may mặc và "đó chỉ là cái ngọn, còn cái gốc là vải thì chúng ta không có", trong đó, 70% lượng vải để sản xuất đồ may mặc phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo bà Trần Thị Thu Hiền, đại diện CTCP May Chiến Thắng, bất lợi của DN hiện nay là phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, trong đó chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan. Trong khi Trung Quốc không tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn như CPTPP, có nghĩa Việt Nam khó tận dụng được ưu đãi về thuế quan.
Dự kiến XK dệt may năm 2019 đạt kim ngạch khoảng 40 tỷ USD, toàn ngành cần 10 tỷ mét vải. Hiện, Việt Nam sản xuất sợi đủ để sản xuất vải nhưng đáng tiếc 2/3 lượng sợi buộc phải xuất đi.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu mặt hàng vải trong tháng 5/2019 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 11,8% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 5/2019, nhập khẩu vải các loại đạt 5,43 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, cho biết ngành dệt may Việt Nam phát triển không đồng đều giữa các khâu đoạn: các phân khúc kéo sợi và may phát triển nhanh chóng, trong khi phân khúc sản xuất vải (bao gồm dệt, nhuộm, hoàn tất) lại kém phát triển, tạo ra thế "nút thắt cổ chai".
Cụ thể, 2/3 lượng sợi sản xuất trong nước (khoảng 750.000 tấn) phải tìm đường XK trong bối cảnh thị trường thế giới liên tục thay đổi và giá cả liên tục giảm. Toàn ngành lệ thuộc nặng nề vào nguồn vải nhập khẩu (lượng vải nhập năm 2017 là 6,5 tỷ mét trong khi nhu cầu nội địa là 9,5 tỷ mét), khiến DN mất đi tính chủ động trong kinh doanh, hạn chế sự sáng tạo và khó có thể nâng cao giá trị sản xuất.
"Việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào khiến DN Việt Nam khó thoát khỏi phương thức gia công tại phân khúc may – vốn có giá trị sản xuất rất thấp và khai thác cạn kiệt nguồn lao động", ông Tuấn đánh giá.
![]() |
Khắc phục "đứt gẫy" phân khúc nhuộm
Theo đánh giá, nguyên nhân là do điểm đứt gẫy tại phân khúc nhuộm vì nhận thức về ngành này chưa đúng, chưa đủ; chưa có chính sách quy hoạch vùng miền nhất quán tại địa phương dẫn đến thiếu hạ tầng cơ sở phục vụ ngành, thiếu khu công nghiệp đặc thù chuyên ngành được trang bị hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn. Đồng thời, DN nội thiếu kinh nghiệm, hạn chế về trình độ kỹ thuật, thiết bị máy móc và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, trong khi nhuộm gia công là giải pháp tối ưu không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các DN vừa, nhỏ, cực nhỏ mà còn giúp tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư và bảo vệ môi trường thì hình thức này không được khuyến khích và cho phép tại rất nhiều địa phương của Việt Nam khiến nhà đầu tư e ngại khi triển khai khâu đoạn này.
Ông Tuấn cho rằng Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững của ngành dệt may Việt Nam cần lấy việc xóa bỏ yếu kém trong khâu sản xuất vải nói chung và trong phân khúc nhuộm nói riêng làm cốt lõi.
Trên thực tế, nhiệm vụ này cũng đã được đặt ra rất kịp thời, đúng đắn trong Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/1/2017 về phát triển công nghiệp phụ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Cụ thể: đáp ứng được 45% vào năm 2020 (tức phải sản xuất thêm 1,7 tỷ mét) và đáp ứng 65% vào năm 2025 (sản xuất thêm 10 tỷ mét).
Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu, ông Tuấn đề xuất hình thành các khu công nghiệp đặc thù, được thiết kế chuyên nghiệp dành cho việc phát triển sản xuất vải, đặc biệt là phân khúc nhuộm.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời thúc đẩy hợp tác, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa các DN trong và ngoài nước trong lĩnh vực dệt nhuộm. Tính từ năm 2000 – 2017, tổng vốn lũy kế FDI vào ngành dệt may Việt Nam đạt 18 tỷ USD nhưng chủ yếu vào phân khúc kéo sợi và may.
Ngoài ra, cần hỗ trợ đào tạo, bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu mở rộng của lĩnh vực dệt sợi – sản xuất vải – nhuộm – hoàn tất. Phần lớn các công ty cả trong nước và FDI sản xuất các sản phẩm dệt may hoàn thiện hiện nay tại Việt Nam đều phải sử dụng chuyên gia, kỹ thuật viên nước ngoài cho quy trình nhuộm, hoàn thiện vải; xử lý nước thải, quản lý môi trường đối với ngành nhuộm, khiến chi phí sản xuất bị đội lên cao, giảm khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Thy Lê