Đến phân xưởng Filamet, nơi đang cung cấp hơn 900 tấn sợi DTY/tháng cho các nhà máy dệt Việt Nam và xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, điều đầu tiên cảm nhận được là không khí làm việc khẩn trương, hào hứng và khá chuyên nghiệp. Mặc dù ngoài trời khu vực đảo Đình Vũ có mưa và không khí se lạnh, ấy vậy nhưng trong phân xưởng sản xuất sợi DTY nhiệt độ lúc nào cũng xấp xỉ 40 độ C. Nguyên nhân khá đơn giản bởi khi đưa thêm 2 dây chuyền vào sản xuất nghĩa là cùng lúc NMXS Đình Vũ đang chạy tới 12 dây chuyền kéo sợi, nhiệt nóng từ hàng trăm tấn thiết bị máy móc tỏa ra khiến không khí trong xưởng lúc nào cũng cao.
Hoạt động xuất hàng tại Tổng kho Dung Quất. |
Một chi tiết khá nhỏ nhưng thể hiện sự chuyên nghiệp tại đây là phân xưởng lúc nào cũng sạch sẽ, từ sàn nhà cho đến trang phục của công nhân, kỹ sư. Liên tục trong ngày nhóm công nhân vệ sinh sử dụng chổi, cây lau sàn làm vệ sinh sàn xưởng, những khu vực liên quan. Hơn thế nữa, lãnh đạo phân xưởng cũng cho dựng hai hàng rào lưới cá bằng nhựa tổng hợp ngăn cách khu vực tháo dỡ nguyên liệu và các dây chuyền kéo sợi. Hàng rào này có tác dụng ngăn bụi từ thùng carton trong quá trình tháo dỡ nguyên liệu bay vào khu vực sản xuất. Mặc dù bụi giấy rất nhỏ nhưng chỉ cần một lượng nhất định bám lên sợi cũng làm giảm chất lượng sợi thành phẩm.
Chúng tôi còn phát hiện trong xưởng còn xuất hiện một số thùng nhựa trắng đựng sợi lỗi, đứt trong quá trình cuốn sợi khá lạ và mới. Anh Phạm Khắc Toàn, Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của PVTEX cho biết, đây chính là sáng kiến của anh em công nhân, kỹ sư phân xưởng Filament. Bởi trước đây toàn sử dụng các thùng carton để đựng phế phẩm. Những vỏ thùng này được tận dụng từ nguồn nhập nguyên liệu nhưng vài ngày là rách nát, chưa kể trong quá trình di chuyển có thể gây bụi, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Vậy là anh em nhà máy có sáng kiến tận dụng những thùng nhựa chứa dầu máy, hàn thành các khung sắt chắc chắn dùng để đựng sợi đứt, nối trong quá trình sản xuất.
Thấy cả trăm công nhân, kỹ sư, ai nấy đều bận rộn luôn tay luôn chân, tôi khá ái ngại khi bày tỏ mong muốn được tìm hiểu về cuộc sống của cán bộ công nhân viên PVTEX. Nghe vậy, anh Toàn liền giới thiệu tôi gặp Đặng Ngọc Hùng - một trưởng ca trẻ tuổi.
Hùng là người gốc Thái Bình nhưng sống ở Hải Phòng. Mới hơn 30 tuổi nhưng Hùng đã có thâm niên gắn bó với PVTEX tới 9 năm, Hùng thuộc thế hệ công nhân khóa 2 được PVTEX cử đi đào tạo vận hành nhà máy. Hùng cho biết thu nhập anh em hiện nay thuộc loại trung bình khá: Công nhân kỹ thuật trung bình khoảng 9 triệu đồng/tháng; trưởng ca khá hơn, khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với chế độ làm việc mới, mỗi ca làm liên tục 12 tiếng/ngày, làm liên tục 4 ngày, được nghỉ 2 ngày.
Hùng tâm sự: “Hiện nay toàn đơn vị làm theo chế độ “2 ca 3 kíp” để tiết giảm chi phí nhân công. Người ít, làm nhiều hơn so với chế độ “3 ca 4 kíp” nên thu nhập của anh em cao hơn. Thế nên anh em làm việc rất phấn khởi và đều mong muốn nhà máy sớm đi vào vận hành toàn bộ, khi đó chắc chắn thu nhập cũng như đời sống của anh em sẽ được tăng cao hơn nữa”.
Nụ cười và khuôn mặt hồ hởi của nữ cán bộ công nhân PVTEX. |
Được biết, để ổn định nguồn nhân lực vận hành phân xưởng sản xuất sợi Filament lãnh đạo PVTEX đã liên tục vận động thuyết phục công nhân, kỹ sư có kinh nghiệm và tay nghề cao trở lại nhà máy làm việc. Một số gương mặt điển hình như Đặng Ngọc Hùng, Nguyễn Thế Hải, Vũ Đình Đức, Phạm Văn Ngọc đều là những công nhân giỏi có thâm niên xuất thân từ NMXS Đình Vũ, họ đang ngày đêm truyền lại những kinh nghiệm cho anh em công nhân kỹ thuật. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm sợi DTY của NMXS Đình Vũ luôn cao vượt mức so với kế hoạch đề ra (từ 96 - 98% sản phẩm loại A).
Có thể thấy rằng, vận hành trở lại toàn bộ NMXS Đình Vũ đang dần trở thành hiện thực. Hiện thực ấy không chỉ nằm trong tâm trí mà nó đang được đốt cháy lên từ nỗ lực, bằng chính những việc làm thực tế của mỗi công nhân, kỹ sư PVTEX. Chính chất lượng công việc, chất lượng sản phẩm mà NMXS Đình Vũ sản xuất ra trong hơn một năm qua đã và đang là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả của nhà máy.
H.C