Tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021, diễn ra sáng ngày 29/9, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (Tổng cục Thống kê) cho biết dịch COVID-19 đã gây đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu của sản phẩm chăn nuôi.
Giá lợn hơi giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi nhỏ thua lỗ. |
Riêng với mặt hàng thịt lợn, sau khi kiểm soát được Dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn trong nước tăng, kéo theo đó nguồn cung thịt lợn tăng nhưng do dịch bệnh nên tổng cầu giảm, giá lợn hơi giảm sâu so với cùng thời điểm năm 2020.
Trong khi đó, chi phí đầu vào chăn nuôi lợn lại gia tăng. Cụ thể, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ cuối 2020 đến nay, tác động lớn tới giá thành chăn nuôi. Người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ đối mặt nguy cơ thua lỗ, không dám tái đàn, ảnh hưởng tới nguồn cung thịt lợn cho chu kỳ sau.
Trước tình hình trên, ông Dương Mạnh Hùng kiến nghị cần đảm bảo khâu sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Đồng thời, Tổng cục Thống kê đang phối hợp với Bộ NN&PTNT để cân đối cung - cầu 7 nhóm chính như lúa gạo, thịt, cá tra, tôm... Về cơ bản đảm bảo an ninh lương thực cũng như đầu ra tiêu thụ cho bà con nông dân.
Đặc biệt, Tổng cục Thống kê kiến nghị cần có chính sách phù hợp kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi như điều chỉnh thuế nhập khẩu ngô hạt, khô đậu tương.... Điều chỉnh thuế suất VAT với hàng hoá nhập khẩu là thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Đồng thời, các bộ ngành cùng phối hợp để cắt giảm khâu trung gian, chú trọng sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng xuất khẩu. Trong dài hạn, Việt Nam cần chủ động về giống, thức ăn chăn nuôi.
"Tính toán cho thấy sản phẩm nông nghiệp chế biến có độ lan tỏa tới đời sống xã hội lớn nhất trong các ngành kinh tế, do vậy Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến sâu nhiều mặt hàng nông sản hơn", ông Hùng chia sẻ.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 8 năm 2021 đạt 393 triệu USD, giảm 17,6% so với tháng 7 và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này vẫn tăng mạnh 30,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 3,3 tỷ USD.
Thy Lê