Tính đến hết tháng 9/2021, các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ còn tồn khoảng 9 triệu con gà lông trắng đang chờ được tiêu thụ dù cho giá bán hiện đã tăng hơn gấp ba so với thời điểm thấp kỷ lục trước đó (từ mức 5.000 đồng/kg lên 17.000/kg).
Khó khăn kéo dài
Do mọi chi phí đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất 1kg gà thịt đội lên gần 30.000 đồng/kg. Với giá bán ra hiện nay, người chăn nuôi gia cầm đang lỗ hơn 40.000 đồng với mỗi con gà lông trắng xuất chuồng. Chính vì vậy, nhiều trại nuôi gà công nghiệp thua lỗ nặng, dẫn đến ngừng chăn nuôi hoặc giảm khoảng 30% tổng đàn so với cùng kỳ năm ngoái.
Người chăn nuôi lợn nên duy trì quy mô đàn và tái đàn trước dự báo thiếu hụt các sản phẩm chăn nuôi khi bước vào dịp cuối năm. |
Tại tỉnh Bình Dương, ngoài việc tiêu thụ sản phẩm gà công nghiệp lông trắng vẫn đang gặp khó, các sản phẩm trứng cũng đang tồn đọng lớn với số lượng mỗi ngày tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút.
Nhiều hộ chăn nuôi gia cầm ở tỉnh này chia sẻ, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời trong sản xuất và tiêu thụ thì họ sẽ bị phá sản vì thua lỗ nặng khi mà gà công nghiệp trong các trại nuôi không xuất bán được nhiều và giá rất rẻ.
Ngoài khó khăn của chăn nuôi gia cầm được nhắc đến nhiều trong các tháng vừa qua do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 đợt 4, tình hình chăn nuôi lợn ở các tỉnh Tây Nam Bộ cũng đang rơi vào thế khó triền miên khi giá thức ăn chăn nuôi tăng 30 - 35%, người nuôi lợn bị thua lỗ nặng nên khá dè dặt tái đàn lợn phục vụ dịp cuối năm nay.
Như tại Bạc Liêu, hiện toàn tỉnh chỉ có có đàn lợn 201.000 con. Lượng thịt lợn chỉ có thể đáp ứng từ 60 - 70% trong các tháng tới, số còn lại phải nhập từ các địa phương khác.
Còn tại Hậu Giang, trong tháng 9/2021, giá đầu vào tăng cao trong khi giá đầu ra thấp là áp lực lớn, nên nhiều hộ nuôi đã không tái đàn. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, người chăn nuôi lợn tiêu thụ sản phẩm khó khăn hơn nhiều.
Theo chia sẻ của hộ chăn nuôi Mai Thị Tuyết, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), sau trận càn quét của bệnh dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn tăng quá nhiều đợt, nên việc tái đàn khá nản.
Rồi những tháng qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên giá lợn hơi trên thị trường xuống rất thấp, trong tháng 9/2021 giá cao nhất chỉ khoảng 50.000 đồng/kg. Điều này làm cho chị Tuyết cũng không thể cầm cự và quyết định không tiếp tục tái đàn.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Ghi nhận vào thời điểm cuối tháng 9/2021 cho thấy, giá lợn hơi tại nhiều địa phương ở Tây Nam Bộ dưới mức 50.000 đồng/kg như Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ… do sức mua giảm mạnh vì ảnh hưởng bởi đại dịch.
Trước khó khăn chung của chăn nuôi gia cầm lẫn chăn nuôi lợn, đặc biệt là tại các tỉnh thành phía Nam do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, việc tìm lối đi cho chăn nuôi nông hộ để có thể “sống chung” với đại dịch trong thời gian tới lại được đặt ra.
Cần lưu ý, trong 3 tình huống được Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đưa ra gần đây giữa bối cảnh tác động của đại dịch thì tình huống nặng nhất là nếu dịch Covid-19 kéo dài sau Tết Nguyên đán, hàng loạt chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nếu không có giải pháp cải thiện lưu thông, phân phối thì người chăn nuôi bỏ không chuồng trại.
Giới chuyên gia cho rằng, cần triển khai thêm chính sách hỗ trợ để giảm thiểu tổn thương, giúp chăn nuôi nông hộ “trụ” được trong giai đoạn đầy thử thách này.
Đặc biệt là nên sớm có chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả của chăn nuôi nông hộ trong 5 năm tới, như hỗ trợ trong việc dự báo thị trường, hỗ trợ tiêu thụ, dự trữ sản phẩm chăn nuôi…
Hơn nữa, nên hỗ trợ cấp vốn giúp các hộ chăn nuôi duy trì ổn định chuỗi sản xuất, đầu tư vào việc tái đàn. Nhất là cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng dịch Covid-19, cũng như đẩy mạnh cho vay mới với lãi suất ưu đãi
Ở góc nhìn của một doanh nghiệp lớn luôn trăn trở để hồi phục ngành chăn nuôi giữa đại dịch Covid-19, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn (tỉnh Bình Phước) cho rằng, vấn đề lớn nhất là làm sao để hộ chăn nuôi, hợp tác xã chăn nuôi vận hành được trong hệ thống chuỗi và được hưởng lợi trong chuỗi như thế nào. Điều này đòi hỏi phải có cách làm rất quyết liệt, đồng bộ của nhiều bộ, ngành và các địa phương.
Ông Hùng chia sẻ, thời gian tới, Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ hướng dẫn, đào tạo, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi cách tăng sức đóng góp trong mối liên kết chuỗi, dù biết rẳng đây là một việc làm nan giải.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, người chăn nuôi nên duy trì quy mô đàn và tái đàn. Bởi lẽ thời gian tới sẽ thiếu hụt các sản phẩm chăn nuôi khi bước vào dịp cuối năm, cụ thể là từ tháng 11/2021 sẽ bắt đầu có dấu hiệu thiếu, nhất là các sản phẩm có chu kỳ sản xuất dài như lợn thịt.
Theo ông Dương, người chăn nuôi không nên bỏ qua cơ hội này mặc dù biết rằng không ít khó khăn. Nếu người chăn nuôi bỏ cuộc thì họ sẽ thiệt đơn thiệt kép.
“Chúng ta phải giữ được cơ số đàn giống ở mức độ an toàn tối thiểu, các vật tư tối thiểu, để khi có cơ hội đến thì quay trở lại tái đàn”, ông Dương nói.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.