Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, gần đây đã có nhiều nhà đầu tư chuyển vốn ra khỏi Trung Quốc về nước hoặc sang nước thứ ba có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và ít rủi ro hơn. Trên thực tế, có nhiều nhà máy đã được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, xu hướng này dự báo còn tiếp diễn.
Mới hút được 100/500 tập đoàn
Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng không ngại mạnh tay chi tiền góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, 11 tháng năm 2018, có hơn 922 lượt góp vốn mua cổ phần của các DN Trung Quốc tại Việt Nam, với số vốn hơn 500 triệu USD.
Trước xu thế trên, Gs.Ts. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Việt Nam, cho rằng cần điều chỉnh định hướng, chính sách FDI để đạt được chất lượng và hiệu quả cao hơn, trong đó phải thay đổi cách tiếp cận để thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thực tế cho thấy những ngành công nghệ tương lai chủ yếu nằm trong tay các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới của các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chủ yếu là G7. Trong khi đó, Việt Nam mới thu hút được khoảng 100/500 tập đoàn hàng đầu thế giới. Nhiều nước dẫn đầu về FDI như Mỹ, Anh, Đức có rất ít dự án đầu tư ở Việt Nam.
Ở góc độ nhà đầu tư, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, chia sẻ tiềm năng đầu tư FDI của EU vào thị trường Việt Nam hiện nay vẫn chưa được khai thác tối ưu. Trong thập kỷ vừa qua, đầu tư của EU tại Việt Nam mới chỉ đạt 22,2 tỷ USD về giá trị đầu tư và 2.028 dự án.
Ông Bruno Angelet mong muốn, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn cải cách thủ tục hành chính, dỡ bỏ các rào cản đầu tư và thương mại hiện tại. Môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định nằm trong số các ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư đến từ EU khi xem xét về kế hoạch đầu tư của mình.
Đồng quan điểm, bà Lee Soo Hooi, Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam, cho rằng đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh chính là những cam kết quan trọng của Chính phủ, giúp nhà đầu tư tin tưởng vào tương lai của mình.
Cần chú trọng thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia |
Có chiến lược
Ông Mại khẳng định đây là nhược điểm cần phải khắc phục bằng việc tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Tuy nhiên, quan trọng hơn là thay đổi cơ bản hoạt động xúc tiến đầu tư hướng vào từng tập đoàn trên cơ sở tiếp cận chiến lược thương mại đầu tư toàn cầu của họ, cung cấp kịp thời thông tin theo yêu cầu của nhà đầu tư, thiết lập mối quan hệ hai chiều để xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình hình thành và triển khai dự án.
Bên cạnh thu hút FDI từ các DN vừa và nhỏ, việc coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao sẽ tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Cụ thể, trên cơ sở chiến lược phát triển của đất nước trong điều kiện công nghiệp 4.0, Hà Nội và Tp.HCM cần hình thành chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng lựa chọn một số phân ngành như công nghệ thông tin, điện toán đám mây, internet vạn vật… để đầu tư vốn, nhân lực.
Ưu tiên thu hút FDI từ các tập đoàn hàng đầu thế giới của các nước công nghiệp phát triển vào các dự án quy mô lớn bằng các hình thức góp vốn hoặc không góp vốn, thúc đẩy nhanh hơn tái cấu trúc kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, coi việc thiết lập mối liên kết theo chuỗi giá trị giữa tập đoàn hàng đầu thế giới với DN trong nước làm cho tác động lan tỏa của khu vực FDI ngày càng mở rộng.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định thời gian tới sẽ đa dạng hóa thu hút FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng. Coi trọng các thị trường, đối tác hiện tại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Anh, Đức…
Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.
Thy Lê