Là người gắn bó với ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) 15 năm qua, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) CNHT Việt Nam, cho rằng ngành này vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Bà Bình dẫn chứng như ngành ô tô, không phải là các DN Việt không làm được, song vì dung lượng thị trường hạn chế, sản lượng thấp lại chia nhỏ nhiều dòng xe khác nhau, nên đa phần các DN không có hứng thú làm. Đến nay, mới chỉ có 1 công ty nhựa, 1 công ty kim loại đang trở thành nhà cung ứng cho các DN sản xuất ô tô.
Ngược lại, ngành điện tử sản lượng lớn nhưng yêu cầu cao nên DN Việt Nam không tham gia được. Hiện, ngành này phải nhập khẩu tới 77% nguyên liệu.
500 ứng viên chỉ chọn được... 2
Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), cho biết chưa có con số chính xác về số lượng các DN nhỏ và vừa đã tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Qua đánh giá sơ bộ của Cục, tỷ lệ này rất hạn chế.
"Tôi từng nghe chia sẻ của anh Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, sau ba lần tổ chức hôi nghị kết nối giữa DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với DN trong nước, thu hút 500 DN Việt tham gia mỗi buổi song khi kết thúc, các DN FDI chỉ chọn được 2 DN Việt đủ tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của họ", bà Thủy nói.
Đồng thời, qua quá trình nghiên cứu xây dựng chính sách, theo bà Thủy, mục tiêu của Chính phủ là mong muốn DN FDI, DN lớn có kết nối hợp tác với DN nhỏ, nhưng việc này không dễ.
Bà Thủy dẫn chứng, có dự án có chính sách ưu đãi là nếu DN nhỏ, DN lớn cùng thực hiện chung sẽ được miễn thuế hoàn toàn như thuế VAT… Ưu đãi lớn nhưng không phải dễ liên kết.
Theo đại diện của Bộ KH&ĐT, có nhiều lý do khách quan và chủ quan, nguyên nhân là do DN nhỏ, năng lực nội tại rất yếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm để trở thành nhà thầu phụ của DN lớn như Samsung, Sony, Canon, mặc dù những công ty này sang Việt Nam từ rất lâu.
Bên cạnh đó, bà Thủy cho rằng chính sách có nhưng chưa đủ tới. Chính sách luôn đề cập tới việc khuyến khích DN Việt Nam và DN FDI "chơi" với nhau, "bắt tay" nhau nhưng hành động cụ thể thì chưa hiệu quả.
Bà Bình bổ sung thêm chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng đang là 3 điểm làm khó DN.
Về chất lượng, yêu cầu mạng lưới sản xuất toàn cầu phải đảm bảo được hàm lượng hóa chất, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng ổn định bền vững. Tuy nhiên, khi hỏi tới Tiêu chuẩn 16949 (hệ thống quản lý cho ngành công nghiệp xe máy và ngành ô tô) thì chỉ có 3 DN đáp ứng được.
"Những DN đáp ứng được tiêu chuẩn trên tự hào lắm, nhưng chúng ta chỉ cần nhìn sang khu công nghiệp ở Thái Lan, họ treo tiêu chuẩn này la liệt như Tiêu chuẩn ISO 9001 của Việt Nam", bà Bình nói.
Hay về giá cả, khi đưa các DN Việt Nam tham gia các hội chợ công nghiệp chế tạo lớn ở Đức, Thái Lan, Ấn Độ… mới thấy chất lượng của DN Việt không thua kém các DN nước ngoài, tuy nhiên giá cả lại cao hơn 20%.
Bà Bình nói: "Lúc đầu, chúng tôi hỏi các DN nguyên nhân vì sao, các DN cho rằng vì phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm hiểu mới thấy không phải mình Việt Nam nhập khẩu, mà các nước trên cũng vậy, chỉ có một vài nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc tự chủ được nguồn nguyên liệu vì giá thành cao do chúng ta chưa tối ưu hóa sản xuất, lãng phí nguyên liệu.
Để tham gia vào chuỗi cung ứng nước ngoài, sản phẩm của DN phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn công nghệ, nguyên liệu, tiêu chuẩn, quy trình mà phía đối tác đưa ra |
Cái "bắt tay" từ nhiều phía
Vị chuyên gia này cho rằng muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, DN cần phải có chiến lược mạch lạc, không chỉ là ngày này ngày kia đi tham dự hội thảo với Samsung, Canon là có khách hàng. DN Việt cần có chiến lược chủ động tìm kiếm các mạng lưới kết nối.
Theo ông Ngô Minh Hải, Phó Chủ tịch Tập đoàn TH, liên kết với DN nhỏ và vừa là cách tốt nhất để nâng cao giá trị. "Trong chăn nuôi bò sữa, chúng tôi có vùng nguyên liệu thức ăn nhưng cần liên kết với các đơn vị khác mới đủ đáp ứng. Hoặc vận tải, TH không thể đầu tư vận tải từ sản phẩm tới kho, nhà máy, mà cần có sự liên kết với các DN đảm nhận khâu này".
Ông Hải cho rằng nền kinh tế hiện nay là sự chia sẻ, DN lớn là đầu tàu trong chuỗi liên kết. Vì vậy, DN lớn đang đi tìm DN nhỏ, mời họ tham gia chuỗi liên kết để tạo ra giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, đại diện TH cũng cho biết, DN này sẽ đề ra các tiêu chuẩn nhất định, yêu cầu nhà cung cấp tuân thủ nghiêm ngặt. "Chúng tôi đặt các tiêu chí tiêu chuẩn đó lên hàng đầu, liên kết nhưng phải đảm bảo chất lượng tốt nhất để sản xuất ra sản phẩm tốt nhất", ông Hải nói.
Để đẩy mạnh mối liên kết giữa DN FDI với DN nhỏ và vừa trong nước, Bộ KH&ĐT cho biết thời gian tới, Nhà nước sẽ có các chương trình đào tạo, nâng cao kiến thức tư vấn cho DN; thúc đẩy liên kết ngành phải triển khai dưới các dự án cụ thể. DN lớn làm gì, DN nhỏ làm gì, Nhà nước hỗ trợ gì trong đó.
Đồng thời, để tham gia vào chuỗi cung ứng nước ngoài, sản phẩm đó phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn công nghệ, nguyên liệu, tiêu chuẩn, quy trình mà phía đối tác đưa ra.
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, đánh giá chuỗi giá trị chỉ có thể bền vững khi có chất lượng tốt. Muốn cạnh tranh về chất lượng, về giá cả chỉ có thể đổi mới sáng tạo, trí tuệ, làm những cái người ta không có.
"Tôi vào vùng nuôi tôm, người dân nói với tôi 90% thức ăn là chất thải của các nhà máy chế biến thủy sản, chỉ còn 10% chất khác. Đấy có phải là thứ khoa học vũ trụ gì mà các nhà nghiên cứu của Việt Nam không làm được?", ông Đông nói.
Đặc biệt, ông Đông nêu quan điểm: "Ai cũng hô hào hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp, tuy nhiên, chỉ nên hỗ trợ người xuất sắc nhất, có thể lúc đầu nhất với ta nhưng dần dần sẽ chinh phục được thị trường khu vực".
Một chuyên gia khác bình luận trong chuỗi giá trị, người tiêu dùng cuối cùng là người quyết định. Vai trò của hiệp hội cần được phát huy, vì nếu cứ trông chờ vào cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ thì không có nhà nước nào đủ nguồn lực.
Trong khi đó, ở góc độ người cho vay, theo đại diện Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho các DN nhỏ và vừa vay sẽ rủi ro hơn DN lớn do thiếu tài sản đảm bảo, tài chính chưa minh bạch. Tuy nhiên, các ngân hàng truyền thống cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận để đảm bảo phục vụ được đối tượng khách hàng là DN nhỏ và vừa, giúp các DN tham gia vào mạng lưới toàn cầu.
Lê Thúy
Bà Trương Thị Chí Bình - Tổng Thư ký Hiệp hội DN CNHT Việt Nam Muốn liên kết với các DN lớn, tham gia vào chuỗi giá trị, các DN cần đầu tư cho mình các kỹ năng, đơn giản từ việc phải nói được tiếng Anh thì mới giao tiếp được với họ. Cùng với đó, các công cụ bán hàng, website quảng cáo sản phẩm thế nào, ghi bao bì nhãn mác ra sao… cũng cần phải đầu tư. Ts. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài DN Việt muốn làm CNHT phải biết những hạn chế của mình, từ đó mới biết có thể tham gia khâu nào trong chuỗi giá trị. Đứng ở góc độ quản lý, Bộ Công Thương phải là cơ quan hiểu rõ điều này nhất, từ đó có thể định hướng DN tham gia cho phù hợp. Sau khi tích trữ vốn liếng, kỹ năng rồi mới ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam Để đưa sản phẩm của DN trong nước vào chuỗi cung ứng cần những hành động hết sức cụ thể và mang tính thương mại. Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội đóng vai trò là cầu nối, thường xuyên tổ chức đối thoại với các DN FDI có nhu cầu sử dụng sản phẩm trong ngành CNHT, xác định các tiêu chuẩn của DN FDI để kết nối với DN trong nước có đủ năng lực tham gia. |