Theo báo Nikkei, những thay đổi mới nhất được đưa ra khi mà chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày một căng thẳng hơn, Việt Nam trở thành một điểm đến lý tưởng cho những doanh nghiệp đang băn khoăn về việc duy trì hoặc mở rộng sản xuất tại Trung Quốc.
Trong động thái mới nhất để thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính đang xem xét sửa đổi Luật Chứng khoán, theo đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể sở hữu cổ phần đa số trong những công ty hoạt động trong các ngành không gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Đây là lần sửa luật đầu tiên từ năm 2010.
Nhìn chung, trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn ở mức 49%, những ngành chiến lược như ngành ngân hàng và ngành hàng không, tỷ lệ này bị giới hạn ở mức 30%.
Dù trần sở hữu trong ngành hàng không có thể cuối cùng sẽ được điều chỉnh tăng, thế nhưng đây vẫn thuộc ngành kinh doanh có điều kiện, ngành mà nhà đầu tư nước ngoài không được cho phép sở hữu toàn bộ cổ phần. Dự kiến chính sách sửa đổi sẽ được trình lên Quốc hội vào năm 2019.
Việc bỏ trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp thay đổi thị trường vốn Việt Nam thông qua hàng loạt vụ thâu tóm và sáp nhập, cùng lúc đó giúp cho GDP tăng trưởng.
Ảnh Internet |
Chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp Nhật mở rộng hoạt động tại Việt Nam thuộc Citigroup, ông Tsuyoshi Yamashita, chỉ ra việc bỏ trần sở hữu 49% sẽ giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài có thêm quyền điều hành, nhờ vậy doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để vào Việt Nam và mở rộng công việc kinh doanh.
Những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật đã đổ xô đến Việt Nam. Năm 2017, Nhật trở thành nước có đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 vào Việt Nam, tổng mức đầu tư đạt 9,11 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm trước. 9 tháng đầu năm 2018, nhà đầu tư Nhật rót 7 tỷ USD vào Việt Nam, dẫn đầu trong số tất cả nhóm nhà đầu tư nước ngoài và tương đương 28% tổng vốn đầu tư.
Hàn Quốc và Singapore hiện cũng đang đầu tư mạnh vào Việt Nam.
Các công ty Mỹ và châu Âu hiện giờ vẫn không quan tâm nhiều đến Việt Nam. Một chuyên gia ngân hàng Phố Wall chỉ ra các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu quan tâm nhiều đến các doanh nghiệp minh bạch và ít rủi ro. Ngoài ra, chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng nhiều khi họ chỉ muốn đầu tư vào doanh nghiệp vốn đã có lãi cao, chính vì vậy lựa chọn không có nhiều.
Tuy nhiên, điều này có thể sẽ sớm thay đổi. Căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang khiến cho nhiều công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, theo nhận định của Ernst and Young Việt Nam.
Khi mà chi phí lao động tại Trung Quốc đang tăng nhanh, yếu tố quan trọng cản trở đầu tư vào Trung Quốc, sẽ thêm nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam. Dù vậy, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải cần đến sự chấp thuận của cổ đông để có thể được phép sở hữu 100% cổ phần.
VT