Tại hội thảo "Phát triển hàng không – Chắp cánh du lịch Việt Nam" ngày 26/7, các diễn giả đều cho rằng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hiện nay, hạ tầng hàng không không đáp ứng được, vì vậy cần huy động từ các nguồn lực trong xã hội, trong đó phải "mở cửa" đón các nhà đầu tư tư nhân.
Quá tải và đội giá vé
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 đạt 13 triệu lượt, trong đó khách đến bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, tỷ lệ khách du lịch trên các đường bay nội địa, quốc tế tăng mạnh, khách du lịch đã trở thành phân khúc thị trường khách hàng không lớn nhất, chiếm tới 70% tổng khách trên đường bay.
Tuy nhiên, một số công ty lữ hành cho biết, khách du lịch đến Việt Nam than phiền về những bất cập trong lĩnh vực hạ tầng hàng không ngày một tăng.
"Khách du lịch than phiền về việc thiếu đường bay thẳng đến Việt Nam, họ phải quá cảnh ở các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, vừa mất thời gian vừa tăng chi phí. Điều này ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh của ngành du lịch", giám đốc một công ty lữ hành cho hay.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, đây cũng là vấn đề "nóng" đối với thị trường hàng không trong nước. Nhiều tuyến bay đến các điểm du lịch như Quy Nhơn, Quảng Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc… thường xuyên rơi vào tình cảnh khan hiếm vé và "đội giá".
Chẳng hạn, chặng bay Hà Nội – Quy Nhơn, mức giá có thể lên tới 3,6 triệu đồng/chặng (chưa kể thuế, phí), đắt không kém chặng Hà Nội – Tp.HCM dù quãng đường ngắn hơn.
Ông Quyết cho rằng nguyên nhân là cơ quan quản lý nhà nước chưa có sự phân luồng giao thông. Hiện nay, các hãng hàng không chủ yếu chú trọng khai thác các "đường bay vàng" đi các thành phố lớn, còn những điểm đến nhỏ có rất ít chuyến bay đến.
Ví dụ, hành khách từ các tỉnh Thanh Hoá trở ra muốn đi các tỉnh miền Tây phải bay từ sân bay Nội Bài (Hà Nội); ngược lại, hành khách từ các tỉnh miền Tây muốn bay ra miền Bắc phải đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Những bất cập này không chỉ khiến cho hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài luôn trong tình trạng quá tải, mà còn làm cho chi phí giá vé ở những điểm đến ở các tỉnh khác "đội giá".
Thời gian tới, Việt Nam cần đến 65%-70% vốn đầu tư tư nhân để phát triển cảng hàng không |
"Mở cửa" đón đầu tư tư nhân
Theo thống kê từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hạ tầng hàng không Việt Nam đang quá tải. Các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (Tp.HCM), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Liên Khương (Lâm Đồng)… đều đang hoạt động vượt công suất thiết kế.
Để tháo gỡ những khó khăn về hạ tầng cho ngành hàng không, qua đó để phát triển du lịch, ông Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa Tp.HCM, cho rằng phải có chính sách mạnh, rõ ràng để lôi kéo đầu tư phát triển hàng không, đặc biệt là việc thu hút sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân.
Theo ông Đỗ Đức Tú, Vụ Kết cấu hạ tầng đô thị (Bộ KH&ĐT), hiện nay, Chính phủ, các bộ rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư phát triển cảng hàng không.
"Chưa bao giờ sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào cảng hàng không thuận lợi như bây giờ. Thời gian tới, Việt Nam cần đến 65%-70% vốn đầu tư tư nhân để phát triển cảng hàng không, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư", ông Tú nói.
Thực tế, hiện nay, một số cảng hàng không đang nhận được vốn đầu tư tư nhân như: Vân Đồn, Phan Thiết, Cam Ranh, Cát Bi, Chu Lai…. Trong đó, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã được vận hành và được đánh giá là một bài học thành công về "tư nhân hóa".
Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không, ông Tú cho rằng Nhà nước cần có sự xúc tiến đầu tư, đưa ra các dự án tiềm năng. Có những hỗ trợ nhất định để dự án cảng hàng không có tính khả thi về mặt tài chính như cảng hàng không Vân Đồn được UBND tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ hoàn toàn vốn giải phóng mặt bằng.
Những tỉnh có tiềm năng kém hơn như Quảng Bình có mức hỗ trợ cao hơn. Bên cạnh đó, cần tạo những thủ tục hành chính thuận lợi nhất, nhanh nhất để dự án khởi công và khánh thành đúng thời hạn.
Thanh Hoa