Trong hai ngày 26 – 27/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Những vấn đề bất cập còn tồn tại trong phát triển kinh tế đã được các đại biểu đề cập.
Mất cân bằng nội – ngoại
Đánh giá về "sức khỏe" doanh nghiệp (DN), theo đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc), cứ 100 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 77 DN ngừng hoạt động và giải thể.
"Đề nghị Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân tại sao DN phát triển chững lại và số DN ngừng hoạt động và giải thể lại tăng rất cao, trong khi Chính phủ đang nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh. Với đà phát triển như hiện nay, đến năm 2020, mục tiêu 1 triệu DN có đạt được không?", đại biểu này nêu vấn đề.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhìn nhận, DN tư nhân chưa đủ lực để gánh vác nền kinh tế và làm hài hòa hơn tỷ lệ hơn 70% xuất khẩu (XK) đang nằm trong tay khối DN đầu tư nước ngoài (FDI) – được dự báo tiếp tục hưởng lợi lớn từ tăng trưởng XK do các FTA mang lại. Những bất cập này của nền kinh tế sẽ được cơ cấu lại như thế nào vẫn còn là câu hỏi lớn.
Trong khi đó, nhìn nhận những bất cập về thu hút đầu tư FDI thời gian qua, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đánh giá Việt Nam hiện nằm trong top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI nhưng thực chất chất lượng lại khiêm tốn, ít chuyển giao công nghệ và chưa có mối liên kết với các công ty trong nước.
Mới chỉ có 5% DN FDI đầu tư vào Việt Nam sử dụng công nghệ cao, còn chủ yếu là gia công ở vị trí cuối của chuỗi giá trị. Đóng góp của FDI vào ngân sách không tương xứng với mức độ ưu đãi cao mà họ được nhận, gây ra mất bình đẳng với DN tư nhân trong nước.
Cụ thể, dù được miễn giảm 92% tổng số thuế thu nhập DN nhưng khối FDI lại đóng góp vào ngân sách khá thấp, chỉ chiếm 20,78% GDP và 13,9% tổng thu ngân sách. Câu hỏi đặt ra là, có hay không tình trạng DN lỗ giả lãi thật, chuyển giá, trốn thuế, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, tác động xấu đến môi trường đầu tư.
Đồng thời, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XK hàng hóa của khối FDI tăng 14,6%, xấp xỉ bằng khu vực kinh tế trong nước (17,5%), chiếm 70,6% giá trị cán cân thương mại nhưng chủ yếu là sản phẩm không chịu thuế XK nên thuế thu từ FDI không đáng kể so với các DN trong nước.
Đại biểu So cho rằng cần có cơ chế đột phá, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển để tạo đối trọng đủ mạnh, hợp tác bình đẳng với khối ngoại. Việc này có ý nghĩa chiến lược quan trọng, tránh tình trạng một nền kinh tế có hai tốc độ.
Tuy nhiên, điều đại biểu So băn khoăn nhất là đã có Nghị quyết 19, Nghị quyết 01, Nghị quyết 20 nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng cần xem lại thực thi và thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Nếu chỉ sửa vài câu chữ thì tính đơn giản hóa không đáng kể, sửa đổi theo hạ thấp điều kiện thì cơ bản không làm thay đổi môi trường kinh doanh.
Việt Nam phải tranh thủ thời cơ để không tụt hậu trong CMCN 4.0 |
Lo "lỡ tàu" 4.0
Cùng với đó, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu bàn tới là Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng cuộc cách mạng này mở ra cho đất nước những cơ hội để rút ngắn khoảng cách lạc hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, tâm thế và nội lực của chúng ta đã sẵn sàng đến mức nào cho cuộc cách mạng này?
Theo đại biểu Nhân, một lực cản đáng kể trên con đường đi đến quốc gia khoa học công nghệ là một bộ phận dường như còn "dị ứng" với đổi mới sáng tạo, khi "cuộc chiến" giữa Vinasun và Grab chưa đi đến hồi kết thì mới đây, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ TT&TT không cấp phép cho Facebook phát sóng Giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam, hay khoản đầu tư 500 tỷ để phát triển khoa học, công nghệ của gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ dù rất nhiều cơ quan chức năng vào cuộc nhưng vẫn không tháo gỡ được. Những điều đó cho thấy tâm thế đó vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc dấn thân lần này.
Về nội lực, trái với lạc quan ban đầu về khả năng và vị trí của Việt Nam trong CMCN 4.0, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia yếu kém dựa trên các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất mới trong tương lai.
Cụ thể, trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo tính trong 100 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 70 về nguồn nhân lực, thứ 81 về chỉ số lao động chuyên môn cao, thứ 75 về chất lượng đào tạo đại học, thứ 90 về đổi mới công nghệ và sáng tạo, 92 về công nghệ nền, 77 về năng lực sáng tạo.
Nhiều dự báo diễn ra trên thế giới trước năm 2025 như chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất bằng công nghệ in 3D, điện thoại di động được cấy ghép trên cơ thể người, 30% kiểm toán DN do trí tuệ nhân tạo thực hiện, cỗ máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên có mặt trong hội đồng quản trị của DN…
"Từ tâm thế và nội lực như đã nêu trên, liệu những thành tựu nào hay ít nhất một phần của những thành tựu trong số đó sẽ đóng mác sản xuất tại Việt Nam? Chúng ta không nên bi quan nhưng cũng thật khó để có thể lạc quan tích cực", đại biểu Nhân nói.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), chúng ta có tranh thủ thời cơ để không tụt hậu trong CMCN 4.0 hay không phụ thuộc và cơ chế chính sách của Chính phủ. Một cơ chế chính sách nhanh, mạnh, đúng đắn, minh bạch về lĩnh vực này được xem là tài nguyên quốc gia lớn nhất trong thời đại CMCN 4.0.
Theo nhiều đại biểu, thế giới không đứng yên để chúng ta vận động tiến lên cho "bằng vai phải lứa" mà tất cả đều đang chuyển động với một gia tốc chưa từng có trong lịch sử.
Thời cơ thuận lợi trong kỷ nguyên số chia đều cho hầu hết tất cả các quốc gia. Thậm chí trên đường đua đó, nhiều quốc gia đã chuẩn bị dù buổi bình minh của cuộc CMCN 4.0 vẫn chưa ló rạng. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải hành động ngay.
Lê Thúy
Đại biểu Nguyễn Như So - Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Ninh Lực lượng DN nhỏ và vừa chiếm 98,1% là đối tượng chính tạo nguồn thu ngân sách, quyết định sự bền vững của phát triển kinh tế lại khó tiếp cận ưu đãi, đặc biệt là vốn. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực nhưng lúng túng trong việc triển khai, do tình trạng nợ đọng nghị định hướng dẫn thi hành về quỹ phát triển. Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Dương Giàu có tài nguyên thiên nhiên không có ý nghĩa gì nhiều trong nền kinh tế số, bởi CMCN 4.0 được xây dựng trên nền tảng nguồn nhân lực lao động chuyên môn cao, trình độ khoa học công nghệ hiện đại. Theo đó, phải xây dựng môi trường thể chế để khoa học công nghệ trở thành người dẫn đường mở lối đi đến thịnh vượng cho quốc gia. Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá toàn diện thu hút FDI trong cân đối bài toán chuyển giao công nghệ. Chính phủ cần cân đối bài toán thu hút FDI trong chuyển giao công nghệ, tạo liên kết chặt chẽ hơn giữa DN trong nước và nước ngoài. |