Tại kỳ điều hành ngày 17/4, mặc dù xả Quỹ Bình ổn giá ở mức khá cao, từ 400 – 1.500 đồng/lít, nhưng giá xăng dầu vẫn tăng mạnh: mỗi lít xăng E5 Ron 92 tăng thêm 1.115 đồng lên 19.703 đồng/lít; xăng Ron 95 tăng 1.202 đồng/lít lên 21.235 đồng, các mặt hàng dầu cũng tăng 291 – 407 đồng/lít.
Đây là đợt tăng giá bán lẻ xăng dầu liên tiếp thứ hai trong tháng 4, với mức tăng tổng cộng khoảng 2.690 đồng/lít xăng Ron 95 và 2.480 đồng/lít xăng E5 Ron 92, các mặt hàng dầu cũng tăng 1.000 – 2.000 đồng/lít.
Con cá, mớ rau… cũng sẽ tăng giá
Theo liên Bộ Công Thương – Tài chính, từ đầu năm 2019 đến nay, giá thế giới có xu hướng tăng nhưng cơ quan điều hành đã điều hành chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá liên tục và ở mức cao nhằm giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước (dịp trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tránh tác động cộng hưởng trong đợt điều chỉnh tăng giá điện ngày 20/3/2019) hoặc hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu trong nước.
Hiện, giá bán lẻ các mặt hàng xăng trong nước vẫn đang được duy trì ở mức thấp hơn khá nhiều so với giá cơ sở. Bên cạnh đó, trong 15 ngày vừa qua, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới vẫn liên tục tăng.
Giá xăng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất. Bởi vậy, tăng giá xăng, giá các mặt hàng khác sẽ tăng là điều khó tránh khỏi. Chị Hoa (Đông Anh – Hà Nội), chuyên phân phối rau củ quả tại một số chợ đầu mối tại Hà Nội, cho biết đã điều chỉnh giá các mặt hàng rau, củ quả tăng trung bình 500 – 2.000 đồng tùy loại do tác động từ việc giá xăng tăng mạnh thời gian qua.
Giám đốc một siêu thị lớn tại Hà Nội chia sẻ hiện tại vẫn chưa có phương án cụ thể về việc tăng giá các mặt hàng, tuy nhiên nếu các cơ sở, doanh nghiệp (DN) cung ứng hàng hóa yêu cầu tăng giá bán cho siêu thị, chắc chắn siêu thị cũng phải tăng giá theo.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết chi phí xăng dầu chiếm 20 – 30% giá thành vận tải, tuy nhiên tới thời điểm này, DN taxi chưa tính tới chuyện tăng giá cước.
Trên thực tế, DN rất ngại điều chỉnh giá, vì mỗi lần điều chỉnh, hàng chục nghìn xe phải dừng ít nhất 40 phút, bên cạnh đó là hàng chục nghìn cán bộ nhân viên phục vụ. Đặc biệt, mỗi xe taxi tốn thêm 110.000 đồng để điều chỉnh đồng hồ đo cước, thay bộ nhận diện giá cước gần 100.000 đồng…
Chiều 17/4, giá xăng tiếp tục tăng sốc trên 1.000 đồng/lít |
Thận trọng điều hành giá
Hiện nay, các DN taxi đang trong tình cảnh phải "cam chịu", nhiều DN đã tiến hành ứng dụng khoa học công nghệ để tinh giảm nhân sự, qua đó giảm chi phí kinh doanh… Tuy nhiên, nếu giá xăng, giá cả đầu vào tiếp tục tăng, chắc chắn DN phải tăng giá cước.
Trong khi đó, đại diện một DN chế biến gỗ xuất khẩu cho biết, xăng dầu và điện đều có tác động cực kỳ lớn tới chi phí sản xuất của DN. Trong vòng nửa tháng qua, hai mặt hàng này đều "rủ nhau" tăng giá, khiến lợi nhuận của DN phải giảm ít nhất 10% trong năm nay. Chi phí đầu vào tăng trong khi giá xuất khẩu sản phẩm không thay đổi được vì đã được DN tính toán và ký hợp đồng từ trước.
Hơn nữa, điều khiến nhiều DN băn khoăn nhất vẫn là cách điều hành giá của cơ quan chức năng chưa phù hợp. Ông Hùng cho biết hiện nay, tất cả mặt hàng tiêu dùng đều phải đăng ký và kê khai giá, khi điều chỉnh giá phải thông báo trước và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước.
Trong khi đó, phần chủ động trong điều chỉnh giá xăng dầu phụ thuộc về cơ quan quản lý, thông thường sau khi có quyết định tăng giá, DN mới biết, dẫn đến xoay xở không kịp.
Theo Ts. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, từ đầu tháng 3 đến nay, giá dầu thế giới tăng liên tục và tiếp tục có xu hướng tăng. Đợt điều chỉnh ngày 18/3 đáng lý thời điểm đó giá xăng dầu thế giới tăng thì cũng điều chỉnh tăng tương ứng, nhưng vì tăng giá điện ngày 20/3 nên Nhà nước không tăng giá xăng dầu mà sử dụng Quỹ Bình ổn.
Điều đó khiến giá xăng dầu không sát theo giá thế giới, gây tác động hệ lụy khi mà giá dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng thì buộc kỳ sau phải tăng giá rất mạnh. Bằng chứng là mỗi kỳ điều hành xăng dầu trong tháng 4, giá đã tăng mạnh trên 1.000 đồng/ lít, tạo bất lợi cho cả sản xuất và tiêu dùng.
Đặc biệt, PGs.Ts. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ 1/1/2019 cùng với giá điện tăng 8,36%, giá dầu thế giới đang trong xu thế tăng sẽ tạo áp lực lên lạm phát thời gian tới.
Việc giá điện tăng đột ngột ở mức cao khiến DN "trở tay không kịp", bị vỡ kế hoạch trong kinh doanh bởi việc xây dựng chiến lược kinh doanh phải từ rất sớm, nên ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của DN. Theo ông, mọi sự thay đổi cần phải có lộ trình và nằm trong dự đoán của DN mới là tốt nhất.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng tăng mạnh trong hai kỳ điều hành trong tháng 4, cộng với việc tăng giá điện vừa qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2019. Vì vậy, công tác điều hành giá cần phải theo dõi kỹ lưỡng và thận trọng hơn.
Thy Lê