Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 5/4, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã trả lời những băn khoăn về công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
9 DN xăng dầu đầu mối âm quỹ
Liên quan tới vấn đề điều hành thị trường xăng dầu trong thời gian qua, ông Hải cho biết, xăng dầu là một trong ít các mặt hàng được điều hành dần tiến tới cơ chế thị trường. Hiện có 28 đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, sắp tới còn tăng thêm. Bộ Công Thương đang xem xét tiếp, bất cứ doanh nghiệp (DN) nào đáp ứng đủ điều kiện đều có thể kinh doanh, phân phối, nhập khẩu xăng dầu.
Đặc biệt, liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Hải phủ nhận thông tin cho rằng quỹ bình ổn ở các DN đều bị âm. Theo đó, hiện nay chỉ có 9 trong số 28 DN đầu mối bị âm quỹ.
Nhắc lại kỳ điều hành ngày 20/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giữ giá theo chỉ đạo của Thủ tướng nhằm tránh chồng chéo và tăng kép hai mặt hàng thiết yếu là xăng dầu và điện. Để giữ giá, nhà điều hành phải chi mạnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu: 2.800 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 2.000 đồng/lít với RON 95.
Điều này cho thấy Quỹ bình ổn giá xăng dầu như quỹ tiết kiệm – tiền của người dân, ngân sách nhà nước không phải bỏ một đồng nào can thiệp điều hành xăng dầu. Không có Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng dầu sẽ "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng".
Nêu quan điểm cá nhân, ông Hải cho biết không muốn có quỹ này, mong muốn bỏ càng sớm càng tốt, nhưng vấn đề ở chỗ ở thời điểm hiện nay khi Việt Nam chưa phải là nền kinh tế thị trường thực sự theo đúng nghĩa, Quỹ bình ổn vẫn rất cần thiết.
"Thử tưởng tượng nếu không có sự điều hành của Nhà nước, mà cụ thể là dùng công cụ Quỹ bình ổn, ngay sát Tết, giá xăng tăng, giá hàng hóa ồ ạt tăng theo thì sẽ ra sao?", ông Hải nói.
Một trong những vấn đề gây nóng buổi họp báo là dự thảo Nghị định quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trên cơ sở hợp nhất Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với Hội đồng Cạnh tranh… Đáng chú ý, tổng biên chế, nhân sự dự kiến của các đơn vị sau khi thành lập Ủy ban là khoảng 130 biên chế công chức và 25 biên chế viên chức.
Việc thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có cần thiết, cũng như có xảy ra tình trạng phình to bộ máy hay không, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, cho biết Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia ra đời là hoàn toàn có cơ sở.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu như quỹ tiết kiệm |
Lo ngại phình to bộ máy
Vào tháng 6/2018, Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh 2018 thay thế Luật Cạnh tranh 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Trong Luật Cạnh tranh 2018 có nhiều nội dung, nội hàm điều chỉnh hành vi bị cấm hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh và kiểm soát tập trung kinh tế…
Bởi vậy, Quốc hội thấy rằng cần có một mô hình cơ quan đủ năng lực, trình độ, đủ tầm thực thi Luật Cạnh tranh 2018. Quốc hội cũng đã bấm nút thông qua Điều 46 của Luật Cạnh tranh quy định rõ cơ quan thực thi là Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia. Điều đó có nghĩa khi Luật có hiệu lực thì có nghĩa Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia phải ra đời.
Bên cạnh đó, bản thân Luật Cạnh tranh 2018 quy định rõ chức năng của Uỷ ban, tại Điều 46 quy định hai chức năng cơ bản: Giúp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về lĩnh vực cạnh tranh và thực hiện chức năng tài phán, điều tra, xử lý vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh như lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền, tập trung kinh tế…
Để thực thi điều này, Luật Cạnh tranh 2018 giao Chính phủ có quy định hướng dẫn chi tiết về bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi Luật Cạnh tranh. Trong đó có Nghị định về mô hình Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia.
Ông Sinh cũng cho rằng việc ra đời Uỷ ban này không chỉ theo Luật Cạnh tranh mà còn bảo vệ người tiêu dùng. Hơn nữa, Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia được thành lập dựa trên cơ sở kiện toàn bộ máy. Hiện nay, cơ quan quản lý cạnh tranh gồm có hai cơ quan: Hội đồng cạnh tranh và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. "Hiện nay, chúng tôi đang tính dự kiến hai cơ quan này được sáp nhập thành một, để tinh gọn bộ máy, giải quyết công việc hiệu quả hơn".
Đặc biệt, ông Sinh cho biết việc thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ không làm phát sinh mà vẫn đảm bảo con số tổng biên chế, nhưng sự chuyển dịch điều chuyển cán bộ trong nội bộ, không nằm ngoài tổng biên chế đã được Bộ Nội vụ phê duyệt.
Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định nguyên tắc chung là không tăng biên chế chung của Bộ Công Thương.
Thy Lê