Người dân ở những vùng trồng cà phê trọng điểm đang tập trung cho công việc thu hoạch. |
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng giảm giá thu mua về mức 40.300 đồng/kg. Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cùng điều chỉnh xuống mốc 41.000 đồng/kg. Tương tự, cà phê tại tỉnh Đắk Lắk đang được giao dịch với giá 41.100 đồng/kg, cao hơn so với các tỉnh còn lại.
Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm 400 đồng/kg với cùng thời điểm sáng hôm qua. Theo các nhà cung cấp Việt Nam, vụ thu hoạch tại vùng cà phê Tây Nguyên vẫn tiếp diễn, người dân tập trung thu hoạch khiến nguồn cung khá dồi dào. Điều này khiến các doanh nghiệp, thương lái có nhiều lựa chọn hơn, từ đó khiến giá cà phê khó tăng.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt nhân công thời vụ hiện vẫn là mối lo chính của người trồng cà phê, trong khi các báo cáo cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn còn khá căng thẳng.
Giá cà phê ở mức 40.500 - 41.300 đồng/kg giúp người dân vẫn có lãi nhưng không nhiều. Theo ông Vũ Hữu Đào, thôn 2, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp, Đắk Nông), mỗi năm, 1 ha cà phê cần trên 45 triệu đồng chi phí phân bón, tưới nước, công chăm sóc, thu hoạch. Nếu trừ hết chi phí, gia đình lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Mức lợi nhuận này không cao hơn bao nhiêu so với những năm trước đây, khi giá cà phê còn đang thấp.
Cũng theo ông Đào, nguyên nhân là do giá các loại phân bón tăng từ 20%-30%. Các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 15%-20% so với trước. Thêm vào đó, có thời điểm giá xăng, dầu tăng rất cao, kéo theo chi phí đầu tư cho sản xuất tăng theo.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, giá cà phê thế giới được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Với ước tính giá trị xuất khẩu 600 triệu USD trong 2 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2021 của Việt Nam sẽ đạt mốc 3 tỷ USD.
Như Yến