Người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi từ việc cà phê tăng giá. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 40.800 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 41.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 41.500 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, cà phê thu mua ở mức 41.500 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.400 đồng/kg ở Đắk R'lấp. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.500 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Iagrai cùng giá 41.400 đồng/kg, tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.500 đồng/kg.
Với mức giá 40.800 - 41.600 đồng/kg, người trồng cà phê chưa thực sự phấn khởi vì còn phải bù đắp phần nào cho cước phí tàu biển, trong khi họ phải chi trả tiền công thu hái và vật tư đầu vào cũng tăng cao ngất ngưởng.
Hiện, giá phân bón tăng từ 30 - 50%, thuốc bảo vệ thực vật tăng khoảng 10-20%, giá công lao động tăng bình quân khoảng 25% so với năm 2020, tạo áp lực lớn cho nông dân.
Theo tính toán, giá đầu vào tăng cao trong khi nông dân chỉ thu được trung bình 42,4 triệu đồng/ha sau khi hạch toán chi phí. Đặc biệt với những hộ nông dân có diện tích trồng nhỏ, năng suất chưa cao thì khoản thu nhập này không đảm bảo chi phí trong một năm cho cả hộ gia đình.
Nguồn cung bị thắt chặt, giá vận chuyển cao, thiếu container và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến giá cà phê không ngừng tăng kể từ giữa tháng 11. Chuyên gia Nguyễn Quang Bình dự báo, giá cà phê cuối năm nay có thể lên 43,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, giá cà phê quay về thời hoàng kim 46.000 - 47.000 hay không còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới và thời tiết của các nước trồng cà phê lớn trên thế giới.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, những lo ngại về nguồn cung cà phê trên toàn cầu đang trầm trọng hơn, khi mà bệnh nấm Roya tiếp tục lan rộng ở các quốc gia trồng cà phê ở khu vực Trung Mỹ. Nấm bệnh đã quay trở lại vì độ ẩm khắc nghiệt do các cơn bão Eta và Iota đổ bộ vào các khu vực này trong cuối năm 2020, phá hủy mùa màng và khiến hàng trăm nghìn người phải di tản. Khu vực Trung Mỹ hiện chiếm khoảng 15% sản lượng Arabica trên toàn cầu, và sản lượng của khu vực này trong niên vụ 2021/22 có thể sẽ giảm 3% do dịch bệnh.
Như Yến