Tại Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập” do Vụ thị trường trong nước và Tạp chí Công Thương tổ chức sáng nay (6/10), bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, nhận định: tại Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, mở cửa nền kinh tế, nhiều chuỗi cung ứng nội địa cũng như toàn cầu đã được thành lập và ngày càng phát triển, cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, có khoảng 100 cơ sở bán lẻ FDI có quy mô từ 500 m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại
Báo cáo cụ thể hơn về các đề án được triển khai trong thời gian qua, bà Nga cho biết, từ năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, hiệp hội ngành hàng/ngành nghề và các địa phương triển khai hơn 200 dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Theo đó, đã thiết lập hơn 90 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 51 địa phương trên cả nước; góp phần nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam trong các siêu thị lên đến trên 70%, đặc biệt một số siêu thị như CoopMart, BigC có tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90%.
Về Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, từ năm 2013 đến năm 2017, Bộ Công Thương đã phê duyệt 1.025 đề án với tổng kinh phí 511,5 tỷ đồng. Trong đó, nội dung xúc tiến thương mại thị trường trong nước, miền núi biên giới và hải đảo có 733 đề án chiếm 71% tổng số đề án phê duyệt với kinh phí được phê duyệt là 154,887 tỷ đồng, chiếm 30% tổng kinh phí được phê duyệt.
Bà Nga cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu thương hiệu bán lẻ chính như Big C, Lotte Mart, Aeon, Emart đã tích cực tham gia gia công hàng hóa thương hiệu của hệ thống bán lẻ hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối tại Việt Nam. Đồng thời xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ cùng thương hiệu trên toàn cầu với tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hàng năm lên đến hàng tỷ đô la Mỹ, tập trung vào các nhóm chế biến ngành nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng,...
Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam có khoảng 170 cơ sở bán lẻ các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó, có khoảng 100 cơ sở bán lẻ FDI có quy mô từ 500 m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại. Đây là các đối tác quan trọng và đầy tiềm năng trong hoạt động kết nối các nhà sản xuất, dịch vụ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa và chuỗi cung ứng có thương hiệu, uy tín toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, hiện nay, với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, cùng với đó là sự lớn mạnh của các Tập đoàn kinh tế lớn xuyên quốc gia… nên việc quản trị chuỗi cung ứng được coi là một công cụ cạnh tranh hiệu quả hàng đầu của các doanh nghiệp; có tác động quan trọng đến việc chiếm lĩnh thị trường, tạo niềm tin với khách hàng, gia tăng lợi nhuận và gia tăng kết nối với các đối tác trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã và đang quan tâm đến chuỗi và quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu và từng bước gia nhập vào các chuỗi cung ứng này.
"Xác định rõ được tầm quan trọng của Chuỗi cung ứng, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách, cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng bền vững", ông Hải cho biết.
Thy Lê