Theo Bộ trưởng Hasan, chỉ riêng Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã dự trữ được 2 triệu tấn gạo. Vì vậy, Chính phủ Indonesia đã quyết định ngừng nhập khẩu và có kế hoạch sản xuất tới 32 triệu tấn gạo trong năm 2025. Sản lượng này cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước, vốn ở mức khoảng 31 triệu tấn.
“Xứ vạn đảo” sẽ không cần nhập khẩu thêm, kể cả trong năm 2025. |
Lượng gạo còn lại sẽ được cất trữ trong Kho dự trữ lương thực Chính phủ (CPP). Bộ trưởng Hasan nhấn mạnh kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo đã được đưa vào dữ liệu cân đối hàng hóa năm 2025 của Indonesia.
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan lương thực quốc gia Indonesia (Bapanas) Arief Prasetyo Adi cũng khẳng định “Xứ vạn đảo” sẽ không tiếp tục nhập khẩu gạo như kế hoạch vì lượng dự trữ trong nước đã đủ.
Theo ông Adi, lượng gạo dự trữ tại Bulog hiện “quá đủ” và cũng đã được lấy đi 220.000 tấn để phục vụ nhu cầu viện trợ lương thực. Giám đốc Bapanas cho biết Indonesia hiện tập trung chuẩn bị cho vụ thu hoạch chính, dự kiến sẽ đạt 12 - 13 triệu tấn gạo vào khoảng cuối tháng 2 và tháng 3 năm sau. Theo ông, "Indonesia phải sẵn sàng thu mua lúa gạo khi vụ thu hoạch đến, bởi nếu chậm trễ, giá cả có thể giảm và người nông dân nước này sẽ bỏ hoang đất canh tác".
Trước đó, vào tháng 8/2024, ông Pudji Ismartini, Phó phòng Thống kê và Dịch vụ của Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) cho biết, từ tháng 1 đến tháng 8/2024, có 3 nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Indonesia là Thái Lan đứng vị trí đầu với 1,13 triệu tấn gạo xuất khẩu sang Indonesia có giá trị hơn 734 triệu USD; đứng thứ hai là Việt Nam với 870.000 tấn gạo trị giá hơn 542 triệu USD; tiếp đến là Pakistan với 460.000 tấn gạo trị giá hơn 290 triệu USD.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 11 năm 2024 ước đạt 700.000 tấn và 444,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn và 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm trên 45%. Đến cuối tháng 10/2024, Philippines nhập khẩu 2,91 triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines.
Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia. Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 517 USD/tấn, giảm so với mức 520 USD/tấn vào tuần trước.
Một thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay hoạt động giao dịch tuần này vẫn trầm lắng do người bán không muốn bán giá thấp trong khi người mua lại muốn giá giảm sâu hơn.
Về thị trường gạo châu Á, giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ giảm trong tuần qua do đồng rupee thấp kỷ lục. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá từ 444-450 USD/tấn trong tuần này, so với mức từ 445-453 USD/tấn của tuần trước. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 450-458 USD/tấn.
Một nhà giao dịch tại New Delhi cho biết nhu cầu của thị trường ổn định. Các nhà giao dịch đang hạ giá bán khi đồng rupee giảm giá xuống mức thấp kỷ lục.
Hồng Hương