Ngay sau khi miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Duy Thuận kể từ ngày 15/7/2024, vừa qua ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT của CTCP tập đoàn Lộc Trời, đã có thư ngỏ gửi cơ quan quản lý, ngân hàng, đối tác, nhà đầu tư, nhà phân phối và bà con nông dân. Trong đó có đề cập đến giai đoạn khó khăn hiện tại và cần sự hỗ trợ của ngân hàng nhằm giúp công ty có đủ tiềm lực tài chính, ổn định sản xuất kinh doanh nửa cuối năm 2024 và những năm tới.
Bài học từ Lộc Trời
Ông Thòn cũng cam kết sau khi công ty ổn định nhân sự, ổn định sản xuất kinh doanh hiệu quả, sẽ hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Các DN trong ngành hàng lúa gạo thường xuyên đối mặt với nhiều áp lực, không khác gì “bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm”. |
Nhân chuyện này, cũng nên nhắc lại khoản nợ vay ngắn hạn 8.800 tỷ đồng của Lộc Trời đã được cổ đông chất vấn tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 6/2024. Còn hồi tháng 5/2024, do gặp khó khăn dòng tiền trong vay vốn ngân hàng, thu tiền từ đối tác mua gạo, Lộc Trời phải chịu điều tiếng vì nợ 472 tỷ đồng tiền thu mua lúa còn thiếu của nông dân, sau đó công ty đã phối hợp với một ngân hàng để hoàn tất việc thanh toán món nợ trên.
Lộc Trời được cho là đã duy trì nguồn nợ ngắn hạn lớn để tài trợ cho các hoạt động thu mua lúa gạo của nông dân ở các vùng liên kết. Do đó, họ đã chịu ảnh hưởng đáng kể khi chi phí tài chính tăng cao, nhất là chi phí lãi vay tăng mạnh như hồi năm 2023 là 582 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận trước thuế sụt giảm đến hơn 400 tỷ đồng.
Xét về một trong những rủi ro phải đối mặt, trong báo cáo thường niên mới đây của Lộc Trời có nêu rõ giá gạo trên thế giới được dự báo còn tiếp tục biến động, dẫn đến việc nông dân liên kết với công ty có thể hủy bỏ các thỏa thuận bán lúa đã ký trước đó.
Hiện tượng này làm gãy đổ hệ thống cung ứng truyền thống, mất lòng tin giữa DN với nông dân. Trong trường hợp Lộc Trời muốn duy trì uy tín quốc tế, bắt buộc phải chịu thiệt hại về tài chính, vừa để bù giá cho hợp đồng xuất khẩu (XK) đã ký, vừa thiệt hại về uy tín với các tổ chức tài chính khi khó có thể giải trình về các khoản lỗ trong hợp đồng vay vốn.
Thực ra, không riêng gì Lộc Trời đối mặt với khó khăn về tài chính hay rủi ro trước biến động thị trường, đây là vấn đề chung mà các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam đều có thể gặp phải. Nghịch lý càng thấy rõ khi dù XK nhiều gạo nhưng hiệu quả kinh doanh của không ít DN vẫn thấp, thậm chí là thua lỗ. Một trong những nguyên nhân là do chi phí lãi vay/lợi nhuận gộp chiếm tỷ trọng lớn nên đã bào mòn lợi nhuận DN.
Trong khi đó, mặc dù XK gạo trong nửa đầu năm 2024 có kết quả tích cực (đạt kim ngạch 2,89 tỷ USD với giá trung bình 635 USD/tấn, tăng 28% về kim ngạch và tăng 19,2% về giá so với cùng kỳ năm 2023), thế nhưng đang có những áp lực phía trước mà các DN XK gạo đã, đang và sẽ đối mặt.
Như thông tin trong tháng 7/2024 cho thấy, Ấn Độ đang xem xét nới lỏng XK gạo nhằm mang lại lợi ích cho người mua thế giới. Giới phân tích nhận định bất kỳ quyết định nới lỏng XK nào của Ấn Độ cũng có thể giúp hạ nhiệt giá gạo chuẩn ở châu Á. Áp lực cạnh tranh của các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ càng gay gắt hơn, trong khi vẫn đang phải so kè với những đối thủ lớn khác như Thái Lan hay Pakistan.
Đối mặt nhiều áp lực
Đơn cử như tại thị trường nhập khẩu truyền thống là Indonesia. Thời gian tới gạo Việt Nam được cho là sẽ phải đối diện với những thách thức không hề nhỏ tại thị trường này trước cạnh tranh ngày càng gay gắt từ gạo Thái Lan ở phân khúc chất lượng cao.
Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy 6 tháng đầu năm 2024, gạo là mặt hàng XK lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Indonesia với 444 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cảnh báo gần đây từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia là các DN xuất khẩu gạo Việt Nam cần thận trọng trong bất cứ giao dịch, phát ngôn nào, không để ảnh hưởng đến toàn bộ các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam nói chung.
Theo phía Thương vụ, cần có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN xuất khẩu, đoàn kết, cùng bảo vệ hình ảnh hạt gạo, ngành lúa gạo nước nhà. Sự cạnh tranh không lành mạnh của chính các DN xuất khẩu gạo Việt Nam (nếu có) sẽ tạo thuận lợi cho các phe nhóm lợi ích tại Indonesia tận dụng, khai thác và cuối cùng sẽ ảnh hưởng chính tới các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Ngoài ra, khi nói khó khăn, thách thức cho việc phát triển sản xuất và thương mại trong 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương có cho biết giá XK một số nhóm hàng nông sản (đơn cử như gạo) tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của DN, nhà cung cấp chưa cao. Nhất là xuất hiện tình trạng DN xuất khẩu gạo bỏ giá đấu thầu tại nước ngoài thấp hơn giá bán trong nước.
Theo giới chuyên gia, khi đấu thầu ở nước ngoài, các DN xuất khẩu gạo nên tính toán giá mua, giá bán sao cho hợp lý. Nếu bỏ thầu giá gạo thấp quá mà không có căn cứ để đảm bảo lợi ích các bên thì cũng không thể thu mua được gạo từ nông dân và thương lái.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nếu DN Việt không cạnh tranh giảm giá thì khó trúng thầu ở nước ngoài, hợp đồng sẽ thuộc về đối thủ đến từ nhiều quốc gia khác. Và nếu không trúng thầu, họ lại không mua lúa của nông dân.
Nói chung, có rất nhiều áp lực mà các DN xuất khẩu gạo thường xuyên đối mặt, không khác gì “bên ngoài cười nụ” với kết quả XK gạo khả quan, nhưng “bên trong lại khóc thầm” khi gặp phải các vấn đề về tài chính, biến động thị trường, sức ép cạnh tranh…
Nhìn từ vấn đề khó khăn mà Lộc Trời đang gặp phải, điều cần làm đối với các nhà XK gạo của Việt Nam trong thời gian tới là cần cân đối cán cân tài chính để đảm bảo hài hòa cơ cấu vốn, tăng hiệu quả sử dụng vốn. Bên cạnh đó, họ nên hướng tới sản xuất với giá thành ổn định và đảm bảo lợi ích cho lâu dài cho nông dân tham gia liên kết. Nhất là phải có sự chuẩn bị và chiến lược cạnh tranh tốt và lành mạnh hơn nữa.
Thế Vinh