Bộ NN&PTNT cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 ước đạt 658 nghìn tấn với giá trị đạt 281 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,43 triệu tấn và 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Quý II, doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ có nhiều hợp đồng mới (Ảnh: Internet) |
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2019 đạt 404 USD/tấn, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 với 40,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt 314,9 triệu tấn và 125,3 triệu USD, tăng 80,9% về khối lượng và tăng 60,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Hai tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Angola (gấp 9,5 lần); Bờ Biển Ngà (gấp 6,1 lần); Hồng Kông, Nam Phi và Úc (gấp hơn 2 lần).
Trong tháng 3, giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng trong bối cảnh chương trình thu mua tạm trữ 200 ngàn tấn gạo, 80 ngàn tấn lúa vụ Đông Xuân đang diễn ra. Hoạt động mua bán lúa những ngày này cũng tất bật hơn. Tuy nhiên, tuần cuối tháng, xu hướng tăng giá có phần chững lại mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tích cực mua vào.
Tính trong 3 tháng đầu năm, giá lúa diễn biến tăng tại Vĩnh Long và An Giang, chủ yếu tập trung vào vụ Đông Xuân với lúa thường tăng 200 – 300 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng 100 – 250 đồng/kg. Riêng tại Kiên Giang, so với đầu năm thì thời điểm này giá lúa thấp hơn, khoảng 600-800 đồng/kg.
Mặc dù quý I/2019, thị trường lúa gạo có khó khăn, Bộ NN&PTNT dự báo sang quý II sẽ có nhiều hợp đồng mới do giá gạo củaa Việt Nam đang ở mức giá cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác.
Do đó, hiện có một số doanh nghiệp đã tiếp cận được thị trường và tiến đến thỏa thuận ký hợp đồng.
Thy Lê