Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, diện tích lúa trên cả nước là 7,53 triệu ha, năng suất trung bình 58,1 tấn/ ha, sản lượng gạo dự kiến đạt 43,8 triệu tấn, tương đương năm 2018, đủ cho nhu cầu trong nước và kế hoạch xuất khẩu (XK).
Giá gạo khó cao như năm 2018
Tuy nhiên, hoạt động XK gạo của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu tiềm ẩn những biến động khó lường.
Từ cuối năm 2018 đến nay, việc tiêu thụ gạo gặp một số khó khăn, giá gạo giảm. XK gạo tháng 1/2019 đạt 437,6 nghìn tấn với giá trị đạt 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc. Nguyên nhân do nguồn cung dồi dào vì đang bước vào thu hoạch vụ Đông Xuân – vụ lúa lớn nhất trong năm, trong khi các giao dịch XK cũng ít hơn trong thời gian gần Tết. Các thị trường quốc tế đang tiếp tục có sự cạnh tranh gia tăng về chất lượng, chủng loại và yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng XK.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết năm 2018, thị trường lúa gạo Việt Nam có mặt bằng giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, mặt bằng giá của năm 2018 rất khó để duy trì trong năm 2019 trừ khi có các đột biến về nhu cầu.
Đồng quan điểm, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cũng cho biết năm 2018, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã dao động trong khoảng 380 – 450 USD/tấn, tuy giảm về cuối năm nhưng phần lớn thời gian trong năm đạt trên 400 USD/tấn, cao hơn giá gạo Thái Lan.
Vì vậy, quy luật thị trường cho thấy, giá gạo Việt Nam sẽ trở về mặt bằng giá cũ để có thể cạnh tranh với các đối thủ XK gạo, đặc biệt là ở chủng loại gạo trắng.
Hơn nữa, XK gạo dự báo sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn khi nhu cầu nhập khẩu giảm ở một số thị trường thường nhập khẩu lớn là Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc.
Trong khi đó, ngành lúa gạo vẫn còn những điểm yếu nội tại chưa được tháo gỡ. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết điểm nghẽn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo là chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành thấp, XK gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp, sản xuất thiếu tính bền vững.
Dự báo giá lúa gạo XK khó đạt được mức cao như trong năm 2018 |
Không chạy theo doanh số
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng ngành lúa gạo Việt Nam cần phải có những giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài để phát triển bền vững.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam cần thực hiện tối ưu hóa nguồn cung. Nếu sản lượng cả nước vào khoảng 5 triệu tấn thì đầu ra rất đơn giản nhưng tăng lên 6-7 triệu tấn lại là cả vấn đề.
"Bộ Công Thương kêu gọi doanh nghiệp (DN) XK gạo đừng chạy theo doanh số, sản lượng. DN hãy quản lý chất lượng sản phẩm toàn diện thay vì để xảy ra tình trạng chạy theo số lượng mà không quản lý được chất lượng, dẫn đến việc mất giấy phép XK", ông Khánh lưu ý.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ngoài việc xử lý tình huống cho vụ Đông Xuân này, chúng ta còn cần xác lập tầm nhìn dài hạn hơn đối với một ngành hàng có tác động đến hàng triệu nông dân trồng lúa.
Ông Hoan cho rằng: "Chúng ta cần thoát khỏi tư duy mùa vụ và thương vụ để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho một ngành hàng. Để ngành lúa gạo không tiếp tục phải giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa, chúng ta cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát lời nguyền chi phí cao, chất lượng kém".
Bí thư Đồng Tháp khẳng định không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện. Thương hiệu hạt gạo không thể xây dựng trên nền tảng niềm tin giữa người nông dân và DN phập phù qua từng vụ mùa như trong thời gian qua.
Vì vậy, chuỗi ngành hàng phải được hình thành, trong đó DN đóng vai trò dẫn dắt – là điều kiện cần và điều kiện đủ để người sản xuất phải được chia sẻ đầy đủ thông tin.
Ở góc độ DN, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc công ty Trung An, cho rằng cần đẩy mạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết theo chuỗi giá trị. Hiện nay, nông dân thích vào mô hình để DN bao tiêu và DN vẫn thích mua nhưng vướng mắc lớn nhất là thiếu vốn để thực hiện mô hình. Do vậy, ngân hàng cần thay đổi tư duy cho vay từ khâu sản xuất để phát huy hiệu quả của mô hình này.
Theo ông Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, để thị trường lúa gạo của Việt Nam phát triển ổn định, XK bền vững, các DN lúa gạo phải đa dạng hóa thị trường XK, đồng thời cần tăng chất lượng lúa gạo và nâng cao uy tín trên thị trường lúa gạo thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc DN phải xây dựng chuỗi sản xuất kết nối với người nông dân.
Thy Lê