Sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu lớn mua lúa tạm trữ và các ngân hàng tháo gỡ khó khăn, tập trung cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo vay vốn để thu mua lúa tạm trữ trong dân đã làm cho giá lúa tăng nhẹ khoảng 150 đồng/kg.
Lợi nhuận của nông dân đạt khá cao, trên 30%, tương đương từ 10-15 triệu đồng/ha, nhưng không bằng năm 2018.
Giá lúa tăng nhẹ nhờ xuất khẩu có tín hiệu tốt (Ảnh Internet) |
Theo ông Dương Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Cần Thơ, tính đến cuối tháng 3, nông dân Cần Thơ đã thu hoạch dứt điểm 81.264ha diện tích lúa Đông Xuân 2018-2019, năng suất bình quân đạt 7,09 tấn/ha, sản lượng đạt 576.672 tấn, bằng 97% so với cùng kỳ và tăng 1,8% so với kế hoạch.
Cũng theo ông Nhơn, do nông dân hiện nay có thói quen bán lúa tươi nên tất cả diện tích của bà con nông dân khi thu hoạch đến đâu là tiêu thụ hết đến đó.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đã ký kết bao tiêu với nông dân thông qua mô hình cánh đồng lớn đã thu mua trực tiếp trong nông dân được khoảng 8.800 tấn lúa.
Có khoảng 70% sản lượng lúa hàng hóa được các thương lái đến tận ruộng mua, số còn lại do các cơ sở, các nhà máy, HTX mua tạm trữ để chờ giá cao hơn mới bán, chiếm khoảng 20% sản lượng.
Năm nay, giá cả có giảm so với năm 2018, nhưng với giá bán lúa tươi tại ruộng bình quân từ 4.500-5.200 đồng/kg tùy theo từng loại giống, nông dân sản xuất lúa đạt lợi nhuận trên 30% bởi giá thành sản xuất lúa trong vụ này chỉ khoảng từ 3.000-3.600 đồng/kg, tùy từng loại giống.
Một trong những nguyên nhân khiến tình hình tiêu thụ lúa hàng hóa của nông dân gặp khó khăn, giá giảm là do các doanh nghiệp chậm mua vì chưa ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo mới.
Hiện nay, nông dân Cần Thơ đã xuống giống được 64.000ha vụ lúa Hè thu trên nền đất lúa Đông Xuân vừa thu hoạch đạt, 84% kế hoạch.
Vũ Trọng