Ngày 26/02/2019, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long.
Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn (Ảnh: Internet) |
Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm trao đổi, đánh giá tình hình, cùng các bộ, ngành liên quan tập trung các giải pháp thúc đẩy toàn diện sản xuất, xuất khẩu gạo trước mắt cũng như lâu dài, giải quyết các nút thắt của ngành gạo (sản xuất, cơ chế tín dụng, thương mại, KHCN…) cũng như duy trì sự tích cực của xuất khẩu gạo trong những năm vừa qua.
Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Công tác phát triển thị trường xuất khẩu gạo đạt được những kết quả tích cực, gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Xuất khẩu gạo năm 2018 đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 5,1% về lượng và 16,3% so với năm 2017, tăng trưởng mạnh về giá trị. Nguyên nhân chính do Việt Nam đã chuyển đổi được cơ cấu giống, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm gần 80% gạo xuất khẩu, vì vậy đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 452 USD/tấn năm 2017 lên 502 USD/tấn năm 2018, tương đương và có thời điểm còn cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan.
Năm 2019, diện tích lúa trên cả nước là 7,53 triệu ha, năng suất trung bình 58,1 tấn/ha, sản lượng gạo dự kiến đạt 43,8 triệu tấn, tương đương năm 2018, đủ cho nhu cầu trong nước và kế hoạch xuất khẩu.
Đối với xuất khẩu gạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời và có nhiều quyết sách tạo thuận lợi hơn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách hỗ trợ phát triển và những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, trong đó có ngành lúa gạo tiếp tục phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Từ cuối 2018 đến nay việc tiêu thụ gạo gặp một số khó khăn, giá gạo giảm. Xuất khẩu gạo tháng 1/2019 đạt 437,6 nghìn tấn với giá trị đạt 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc. Nguyên nhân do nguồn cung dồi dào vì đang bước vào thu hoạch vụ Đông Xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm, trong khi đó các giao dịch xuất khẩu cũng ít hơn trong thời gian gần Tết. Các thị trường quốc tế đang tiếp tục có sự cạnh tranh gia tăng về chất lượng, chủng loại và yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu.
Ngày 19/2/2019, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cuộc họp quan trọng bàn về các giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó trước mắt giao Bộ Tài chính thu mua đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 với lượng 200 nghìn tấn gạo và 80 nghìn tấn thóc.
Đồng thời, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã trao đổi, thống nhất với các đối tác của Việt Nam về nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam (Biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Thung lũng Thực phẩm Nông nghiệp Công nghệ cao quốc gia Sơn Đông-Trung Quốc (FVC).
Hai bên sẽ thực hiện ngay Bản ghi nhớ này trong nửa đầu năm 2019. Những sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp góp phần làm giảm áp lực thị trường, giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long có những diễn biến chuyển động tích cực. Giá lúa tươi tăng 200 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu tăng 165 đồng/kg.
Nhật Linh