Ngày 8/3, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)”.
Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. |
Đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu), cho hay Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai nước này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam. Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn, đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam.
Sunwah đề xuất Bộ NN&PTNT nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển...
“Để thắng trên thị trường, phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh”, đại diện Sunwah nói.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, mỗi năm Trung Quốc nhập khoảng 4 tỷ USD sầu riêng, 90% nhập từ Thái Lan còn lại nhập từ Malaysia và Myanmar dưới dạng cấp đông. Sầu riêng Việt Nam dù chỉ mới xuất khẩu chính thức từ tháng 9/2022 nhưng Trung Quốc đã nhập khẩu đạt giá trị khoảng 400 triệu USD. Do đó, năm 2023 khả năng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường tỉ dân này có cơ hội đạt trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện nay Thái Lan đã có hàng ngàn mã xuất khẩu và được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh trong khi Việt Nam mới được cấp có 113 mã xuất khẩu và chưa được phép khẩu sầu riêng đông lạnh.
Đáng lo ngại, thời gian gần đây nhiều nông dân đã chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng sầu riêng. Bộ NN&PTNT liên tiếp cảnh báo về tình trạng trên, cũng như rủi ro về chất lượng, thị trường tiêu thụ cũng được đề cập tới.
Mới đây, ngành chức năng tỉnh Bình Phước đã đưa ra những khuyến cáo đối với người dân trong việc trồng sầu riêng, để tránh tình trạng cung vượt cầu.
Số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước cho biết, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng đã đạt hơn 4.800 ha, tăng 28,4% so với năm 2021. Trong khi đó, diện tích cây hồ tiêu ghi nhận giảm khoảng 1.120 ha, cà phê giảm 604 ha trong năm 2022.
Cùng với đó, người dân còn chặt phá nhiều loại cây trồng truyền thống khác để chuyển sang trồng cây sầu riêng như điều, cao su. Nguyên nhân là do giá sầu riêng đang ở mức cao và được đánh giá mang lại lãi cho người nông dân nhiều hơn so với các loại cây khác.
Thy Lê