Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định trái sầu riêng năm nay sẽ vượt qua trái thanh long để trở thành loại trái cây xuất khẩu (XK) chủ lực đứng đầu trong ngành hàng rau quả và có thể mang về kim ngạch ít nhất là 1 tỷ USD, mà thị trường chính yếu nhất là Trung Quốc.
Chờ lên “ngôi vương”
Diện tích trồng sầu riêng của cả nước trong vài năm gần đây tăng khoảng 10%/năm và hiện đã đạt khoảng 110.000ha, với sản lượng khoảng 800.000 - 9.00.000 tấn/năm. Năm 2022 vừa qua, trong tổng kim ngạch XK rau quả hơn 3,3 tỷ USD, trái sầu riêng đóng góp gần 400 triệu USD.
Trái sầu riêng của Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ chiếm thị phần lớn tại thị trường Trung Quốc trước đối thủ lớn nhất là sầu riêng Thái Lan. |
“Nếu năm nay, kim ngạch XK sầu riêng đạt 1 tỷ USD thì chắc chắn góp phần mang lại tổng kim ngạch XK cho ngành hàng rau quả Việt Nam vào khoảng 4 tỷ USD. Đây là những dự đoán tương đối có khả năng chúng ta sẽ đạt được”, ông Nguyên nói.
Chia sẻ tại buổi họp báo ở Tp.HCM ngày 15/2 nhằm giới thiệu Triển lãm và Hội thảo quốc lần thứ 5 về chuyên ngành sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam - Hortex Vietnam 2023 (diễn ra vào đầu tháng 3/2023), ông Nguyên nhấn mạnh trái sầu riêng Việt Nam đang có nhiều lợi thế để cạnh tranh với trái sầu riêng của Thái Lan trên thị trường Trung Quốc.
Trước khi Việt Nam ký Nghị định thư XK chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc vào tháng 7/2022 thì Thái Lan là nhà cung cấp sầu riêng cho Trung Quốc gần như không có đối thủ kể từ ít nhất là đầu những năm 2000.
Thế nhưng, qua ghi nhận gần đây của Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khi đến thăm các trang trại trồng sầu riêng ở Thái Lan, hiện nay, những người nông dân trồng sầu riêng ở nước này rất lo ngại đối thủ trực tiếp của họ là sầu riêng Việt Nam sẽ đẩy mạnh gia tăng thị phần ở Trung Quốc.
Bởi vì, thứ nhất là sầu riêng từ Thái Lan vận chuyển bằng đường bộ đến biên giới phía Bắc của Việt Nam nhiều khi phải qua Việt Nam với thời gian ít nhất cũng phải 7 - 10 ngày mới tới được cửa khẩu. Trong khi đó, ở Việt Nam, sau khi thu hái, từ lúc xe chở sầu riêng bắt đầu chạy lên cửa khẩu và ra đến chợ của Trung Quốc hiện chỉ mất 1 ngày rưỡi (sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn, bỏ chính sách Zero Covid).
Nên biết, người tiêu dùng Trung Quốc thích ăn trái sầu riêng chín mềm. Đây lại là thế mạnh với trái sầu riêng ở Việt Nam, từ lúc ra bông cho đến có trái chín là 120 ngày, để XK sang Trung Quốc thì chỉ cần đến 110 ngày là có thể thu hái và vận chuyển nhanh đến tay người mua khi trái vừa chín tới.
Còn với trái sầu riêng của Thái Lan lại không thể thu hoạch được với số ngày như vậy. Nếu thu hoạch khi đến 110 ngày sẽ sát với thời điểm chín rụng, cộng thêm thời gian vận chuyển đường bộ 7 - 10 ngày xem như khi đến Trung Quốc thì trái sẽ hỏng.
Tận dụng lợi thế cạnh tranh
Chính vì vậy mà những người trồng sầu riêng ở Thái Lan phải thu hoạch sớm hơn Việt Nam từ 10 - 15 ngày, tức là khi đến khoảng thời 90 - 95 ngày là cắt trái. Cho nên, chất lượng trái sầu riêng của Thái khi đến Trung Quốc sẽ hơi cứng, sượng. Đây chính là điểm bất lợi cho trái sầu riêng Thái Lan khi người Trung Quốc sẽ thích ăn trái sầu riêng của Việt Nam vì độ chín của trái ngon hơn.
Vấn đề thứ hai là quãng đường bộ mà sầu riêng Thái Lan phải đi sang Trung Quốc xa hơn, kéo dài hơn so với Việt Nam nên chi phí vận chuyển, logistics cũng cao hơn, giá thành chắc chắn sẽ cao hơn.
Hiện nay, phía Thái Lan đang tính đến việc vận chuyển sầu riêng sang thị trường Trung Quốc bằng đường sắt nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Bởi lẽ, cách đây 2 năm, tuyến đường sắt tốc độ cao Lào – Trung Quốc, dài 414 km từ thị trấn biên giới Boten giáp Vân Nam tới Thủ đô Vientiane (Lào) đã đi vào hoạt động. Còn mới đây, tuyến đường sắt này đã được nối với đường sắt Thái Lan.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Đặng Phúc Nguyên, việc vận chuyển sầu riêng bằng đường sắt của Thái Lan chắc chắn sẽ không thể so với thời gian vận chuyển bằng đường bộ của Việt Nam.
“Bởi vì mỗi chuyến tàu hoả từ Thái Lan đi Trung Quốc có thể chở 50 - 100 container sầu riêng trong một ngày, trong khi ở Việt Nam một ngày có thể vận chuyển cả nghìn xe container sầu riêng bằng đường bộ sang Trung Quốc. Hơn nữa, khi chuyên chở bằng tàu hoả đòi hỏi phải trang bị máy phát điện để giữ nhiệt cho từng container lạnh chứa sầu riêng nhưng không phải dễ làm, còn với vận chuyển sầu riêng bằng đường bộ ở Việt Nam thì mỗi container lạnh đều dễ dàng trang bị phát điện”, ông Nguyên chia sẻ.
Nói chung, nếu so sánh về mặt logistics cho XK sầu riêng sang Trung Quốc giữa hai đối thủ là Việt Nam và Thái Lan thì Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn. Vì vậy, Thái Lan đã xem sầu riêng Việt Nam là đối thủ nặng ký nhất tại thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên toàn cầu là Trung Quốc.
Ngoài lợi thế cạnh tranh, giới chuyên gia cho rằng nếu Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng, mã số cơ sở đóng gói cho Việt Nam nhiều như Thái Lan thì có thể sầu riêng Việt Nam sẽ chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc trong một sớm một chiều.
Hơn nữa, sầu riêng còn là loại trái mà người Trung Quốc ưa chuộng nhưng đến nay nước này vẫn chưa trồng được như một số loại cây ăn trái khác là chuối, thanh long, xoài… Cho nên, triển vọng XK sầu riêng của Việt Nam với kim ngạch tỷ đô/năm vào thị trường lớn như Trung Quốc trong các năm tới là hoàn toàn khả thi, quan trọng là cần tận dụng các lợi thế cạnh tranh.
Thế Vinh