Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics với tốc độ phát triển của ngành đạt khoảng 14 – 16%, quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Thị trường tiềm năng
Chuỗi giá trị của logistics tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào giao nhận, vận tải nội địa, khai thác cảng biển và cảng hàng không, lưu kho bãi, quản lý hàng hóa và vận tải quốc tế.
Hiện nay, tổng số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics theo khảo sát của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) là khoảng hơn 3.000 DN, trong đó 20% là công ty nhà nước, 70% là công ty TNHH và DN tư nhân là 10%.
Tuy nhiên, các DN logistics nội hiện chỉ chiếm khoảng 20% thị phần của ngành, hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, chỉ đáp ứng được một phần của chuỗi giá trị logistics.
Thực tế, hầu hết những DN hàng đầu về logistics tại Việt Nam đang có liên kết với các "ông lớn" nước ngoài. Song song đó, các "ông lớn" này cũng đang mong muốn chiếm lĩnh thị trường trị giá 40 tỷ USD.
Năm 2017, Alibaba của Trung Quốc đã hoàn thành xong thương vụ M&A với Lazada Việt Nam để mở rộng dịch vụ trong khu vực.
Đầu năm 2018, một trong những trang mua sắm trực tuyến lớn nhất của Việt Nam – Tiki đã được "đại gia" internet Trung Quốc JD.com rót vốn đầu tư 44 triệu USD. Warburg Pincus cũng bắt tay với Becamex IDC lập liên doanh bất động sản BW để phát triển chuỗi logistics và bất động sản công nghiệp.
Giới chuyên gia nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển logistics, nhưng đến nay, năng lực cạnh tranh của ngành vẫn còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm cũng như công nghệ quản lý và môi trường chính sách dù đã được cải thiện trong những năm qua nhưng vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển logistics, nhưng đến nay, năng lực cạnh tranh của ngành vẫn còn hạn chế |
Nhỏ lẻ, thiếu cạnh tranh
Cụ thể, các DN logistic nội đa phần đều là đại lý, công ty vận tải với quy mô rất nhỏ từ 1-5 chiếc xe tải, hay đại lý môi giới, công ty cho thuê kho bãi (tức đạt ở cấp độ 2PL – một chuỗi những người cung cấp dịch vụ cho hoạt động đơn lẻ cho chuỗi hoạt động logistics nhằm đáp ứng nhu cầu của chủ hàng nhưng chưa tích hợp với hoạt động logistics).
Mặt khác, ở cấp độ này, các công ty có dịch vụ cho thuê kho bãi ở Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp trong hoạt động cho thuê kho bãi mà chỉ đơn thuần hoạt động như "chủ nhà, chủ đất cho thuê".
Chỉ có một số ít DN logistics ở Việt Nam đạt cấp độ 3PL – cấp độ có thực lực và làm đúng chức năng cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng. Theo đó, công ty logistics thay mặt cho chủ hàng quản lý và thực hiện các dịch vụ logistics cho từng bộ phận như gửi hàng, thực hiện thủ tục xuất khẩu, cung cấp chứng từ giao nhận-vận tải và vận chuyển nội địa hoặc thay mặt cho người nhập khẩu làm thủ tục thông quan hàng hóa và đưa hàng đến điểm đúng quy định…
Riêng số lượng DN có khả năng đạt cấp độ 4PL (cung cấp dịch vụ logistics chuỗi phân phối, có khả năng hợp nhất, gắn kết các nguồn lực, tiềm năng và cơ sở vật chất kỹ thuật của mình với các tổ chức khác để thiết kế, xây dựng và vận hành các giải pháp chuỗi logistics) gần như đếm trên đầu ngón tay.
Nguyên nhân chủ yếu do đa phần DN logistics Việt Nam còn loay hoay vừa xây dựng chiến lược kinh doanh trong lúc vận hành hoặc thậm chí là không có chiến lược nên có xu hướng sao chép đối thủ cạnh tranh, dẫn đến tình trạng "cạnh tranh về giá khốc liệt".
Trong bối cảnh này, JLL – đơn vị nghiên cứu, tư vấn độc lập của Anh nhận định các đột phá về công nghệ mới sẽ là chìa khóa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong việc giao hàng ở châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hồng Nhung