Sáng 16/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị về Logistics. Theo đó, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đã được các bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) đưa ra.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số Năng lực quốc gia về logistics (LPI) năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, tuy nhiên chi phí logistics tương đương 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%.
Chi phí ngày càng tăng
Tính theo tỷ trọng GDP, WB cho biết chi phí logistics của Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%.
Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam mà chủ yếu được tính trên hàng container còn khá cao so với các nước phát triển do nhiều nguyên nhân trong các công đoạn của chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu và phân phối tiêu dùng. Vì vậy, cần được rà soát chi tiết hơn để có giải pháp.
Tại Việt Nam, mức thu chi phí làm hàng tại cảng, chủ yếu hàng xuất nhập khẩu phải chịu đang cao gấp đôi chi phí làm hàng thực tế mà hãng tàu thỏa thuận trả cho cảng theo khung giá sàn quy định, chưa tính thêm khoản bao cấp chi phí vận chuyển container giữa cảng với các điểm thông quan nội địa (ICD) mà hãng tàu ép cảng phải chịu thay cho chủ hàng.
Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chi phí logistics trong xuất nhập khẩu đang ngày càng tăng cao, tạo thêm gánh nặng lớn cho DN.
Nhiều hãng tàu đã tăng thêm các mức phí thu so với trước đây rất nhiều. Ví dụ, Maersk Line là hãng tàu có thị phần lớn nhất tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã tăng thêm phí: khoản phụ phí xếp dỡ hàng hóa thu theo mỗi container năm 2013 thu 4 triệu đồng/container, đến năm 2018 tăng lên 5,2 triệu đồng/container.
Vì vậy, VASEP đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh hơn để làm rõ các khoản phí hãng tàu tự “đẻ ra” để thu một cách vô tội vạ đối với các DN Việt Nam, cũng như giám sát các loại phí của hãng tàu để yêu cầu điều chỉnh mức thu xuống mức phù hợp.
Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN (Bộ KH&ĐT), tính đến hết tháng 3/2018, cả nước có 296.469 DN đăng ký kinh doanh trong các ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, quy mô vốn khi đăng ký của các DN ngành logistics còn rất hạn chế, tới 90% số DN khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Việt Nam có khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.
So với các DN trong nước, các DN đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn do công ty mẹ ký với các chủ hàng lớn có mạng lưới toàn cầu, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu.
Trong khi đó, thế mạnh của các DN logistics Việt Nam là đảm nhiệm hầu như toàn bộ vận tải nội địa, từ khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan đến khai thác kho bãi, dịch vụ kho. Điều đó cho thấy các DN logistics Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh để vươn ra thị trường quốc tế, mà mới chỉ tham gia vào các công đoạn ở nội địa trong cả chuỗi logistics, đóng vai trò như những nhà cung cấp vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài.
Chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn có thể “nhấn chìm” con tàu kinh doanh? |
Khó “lớn” vì vướng rào cản
Có nhiều nguyên nhân khiến DN nội địa trong nước yếu cạnh tranh, song Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết qua việc rà soát điều kiện kinh doanh của một số hoạt động cung cấp dịch vụ logistics nhận thấy vẫn còn tồn tại các bất cập, vướng mắc, mặc dù thời gian qua đã có nhiều hoạt động thúc đẩy cải cách chính sách về điều kiện kinh doanh, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi.
Ví dụ: trong vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển, lai dắt tàu biển, DN phải có “bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển”, “bộ phận thực hiện công tác pháp chế” (đối với vận tải biển); “Có người chuyên trách thực hiện kinh doanh, khai thác dịch vụ đại lý tàu biển đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế”…
Một trong những dạng điều kiện kinh doanh “quen thuộc”, có tính chất áp đặt về quy mô, đó chính là yêu cầu DN phải có một số vốn nhất định trước khi kinh doanh lĩnh vực này.
Đối với hoạt động vận tải biển, ông Đỗ Xuân Quỳnh, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, kiến nghị Chính phủ giảm xuống 0% thuế nhập khẩu tàu biển và thuế nhập khẩu các loại vật tư, phụ tùng, trang thiết bị… để sửa chữa tàu biển mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa được các tổ chức đăng kiểm quốc tế có thẩm quyền công nhận phù hợp, nhằm giảm áp lực tài chính cho các DN vận tải biển trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đặc biệt, trong trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế, Hiệp hội này đề xuất Bộ GTVT và Bộ Công Thương chỉ đạo các chủ hàng dành khoảng 30% sản lượng với giá bằng giá thắng thầu để giao cho các DN vận tải biển Việt Nam đủ năng lực thực hiện.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh logistics là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai, “mà ta không làm thì các nước bạn sẽ làm và đặc biệt chúng ta chưa có doanh nghiệp mạnh làm logistics. Phải có DN mạnh làm logistics với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, quy hoạch của Nhà nước”.
Thủ tướng dẫn câu nói của một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Mỹ là ông Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ, một rò rỉ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn. Chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh có xuống thấp?”.
Vì vậy, theo Thủ tướng, phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với DN Việt Nam hiện nay, trong đó chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng cho biết sau Hội nghị sẽ có Chỉ thị về phát triển logistics, mục tiêu đến năm 2025, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Lê Thúy
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Cần phải có các định hướng lớn, các nhiệm vụ cụ thể, có nhiệm vụ trước mắt, có nhiệm vụ lâu dài để thực hiện chủ trương phát triển dịch vụ logistics, tiết giảm chi phí cho DN, đặc biệt là chi phí logistics. Chúng ta lo sản xuất trái cây, gạo, sản xuất thiết bị máy móc mà những dịch vụ chiếm tỷ lệ cao như thế này không giảm xuống thì nền kinh tế không có sức cạnh tranh. Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh Trở ngại nhất đến hiệu quả hoạt động logistics là DN phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Chúng ta phải tính đến yếu tố để khắc phục vấn đề này. Không chỉ là tăng quy mô về tài chính, vấn đề lớn hơn là phạm vi tiếp cận đối với hoạt động logistics, phải tham gia các chuỗi… Ngoài ra, cần những khuôn khổ pháp lý, còn cần vai trò của hiệp hội để tăng khả năng liên kết theo chuỗi giữa các DN logistics với nhau và giữa các mảng, giữa DN logictics với chủ hàng, kinh doanh thương mại. Phó Giám đốc TCT Tân Cảng Sài Gòn - Phùng Ngọc Minh Đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính có giải pháp hiệu quả để giảm mức phí cầu đường trong tổng chi phí logistics (hiện mức phí cầu đường đang chiếm 30-35% giá thành vận chuyển) như giảm giá các trạm thu phí dọc Quốc lộ 51, khuyến mãi giảm giá giờ thấp điểm, linh hoạt bán vé tháng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Hà Nội – Hải Phòng, tăng cường thu phí tự động… |