Ngày 13/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) – cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Cảng HICT là liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (nắm giữ 51% vốn), công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản (17,5%), công ty Wan Hai Lines Đài Loan (16,5%) và Tập đoàn Itochu Nhật Bản (15%).
Cảng biển tầm cỡ
Cảng HICT được xây dựng trên diện tích 44,9ha bãi, độ sâu trước bến 16m; vũng quay tàu rộng 660m, độ sâu luồng tàu 14m (chưa tính thủy triều); 2 bến cảng container có tổng chiều dài 750m có thể tiếp nhận tàu container có sức chở và trọng tải lớn; bến tàu, bến xà lan dài 150m có thể tiếp nhận nhận tàu, xà lan chở container đến 160 TEU; sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến đạt 1,1 triệu TEU/năm…
Cảng nằm tại thị trấn Cát Hải, Tp.Hải Phòng, tiếp nhận tàu container sức chở 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải đến 16 vạn DWT đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ trên các tàu mẹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây, tạo động lực cho sự phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và các hoạt động logistics khu vực phía Bắc.
Trước đó, ngày 7/5, Cảng nước sâu Nam Đình Vũ chính thức được khánh thành, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi các cảng biển khu vực Hải Phòng và phía Bắc.
Cảng Nam Đình Vũ có diện tích 65ha, có khả năng tiếp cận tàu có trọng tải đến 40.000 tấn, trang bị hệ thống cẩu dàn RTG và QC có tầm với 15 hàng container thuộc loại lớn nhất khu vực, cùng phần mềm làm hàng container hiện đại…
Cảng thuộc dự án quy hoạch phát triển cảng của Chính phủ và có vị trí đắc địa thuộc Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam _Đình Vũ, nằm ngay tại cửa ngõ thông ra biển gần nhất so với các cảng khác tại khu vực; nằm trên cùng trục giao thông – liên thông với cảng Nam Hải Đình Vũ (cách 3km) và Nam Hải ICD (cách 3,5km), xuôi dòng hạ lưu hướng về biển lớn.
Đây là dự án do Tập đoàn Gemadept (GMD) và Tập đoàn Sao Đỏ làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư đạt 6.000 tỷ đồng. Được biết, Tập đoàn Gemadept là doanh nghiệp đầu tiên và lớn nhất của ngành logistics hiện đại Việt Nam.
Tính cả cảng Nam Đình Vũ, Tập đoàn Gemadept đã đầu tư và đang khai thác tất cả 4 cảng tại Hải Phòng, bao gồm: cảng Nam Hải, cảng Nam Hải Đình Vũ và Nam Hải ICD.
Liên tiếp khai trương các cảng biển tầm cỡ cùng với triển vọng ngành tích cực, nhưng cổ phiếu ngành vận tải biển và logistics lại có xu hướng đi xuống, thậm chí có cổ phiếu đứng trước bờ vực hủy niêm yết. |
Cổ phiếu lẹt đẹt
Liên tiếp khai trương các cảng biển tầm cỡ cùng với triển vọng ngành tích cực, nhưng cổ phiếu ngành vận tải biển và logistics lại có xu hướng đi xuống, thậm chí có cổ phiếu đứng trước bờ vực hủy niêm yết.
Sau khi bán đi mảng kinh doanh logistics để chuyển hướng sang khai thác cảng và vận tải biển,_Gemadept hiện vẫn đang là một trong những nhà khai thác cảng biển, cảng cạn… lớn nhất Việt Nam.
Kết thúc quý I/2018, Gemadep ghi nhận khoản lãi "khủng" lên tới 1.278,55 tỷ đồng, gấp gần 12 lần lợi nhuận đạt được trong quý I/2017 nhờ việc chuyển nhượng 51% vốn tại công ty TNHH CJ – Gemadept Logistics Holdings và 49% vốn tại công ty TNHH CJ – Gemadept Shipping Holdings.
Tuy nhiên, cổ phiếu GMD dường như đang đi ngược lại với quy mô "lớn nhất Việt Nam" của doanh nghiệp khi đã giảm 37,5% kể từ đầu năm đến nay. Hiện, GMD đang giao dịch tại mức giá 27.500 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt 7.826 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2017, cổ phiếu này đã tăng 60% và trở thành cái tên nổi bật, nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Cổ phiếu HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng đã giảm giá gần 30% kể từ đầu năm đến nay, ngay cả khi công ty sở hữu quyền khai thác cảng Hải An với công suất thiết kế 250.000 TEU, là cảng ở khu vực thượng nguồn.
Hiện, cổ phiếu HAH đang giao dịch tại mốc giá 14.150 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt 710 tỷ đồng.
Từ ngày 6/4, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM đã có quyết định chuyển cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) từ diện kiểm soát sang diện bị cảnh báo.
Trước đó, cổ phiếu VOS bị đưa vào diện bị kiểm soát từ ngày 7/4/2016 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2014 và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2015 là số âm. Đồng thời, VOS cũng bị tạm ngừng giao dịch cho đến ngày công ty có giải trình. Từ 7/4/2016 đến nay, cổ phiếu VOS luôn trong tình trạng bị hạn chế giao dịch.
Hiện, cổ phiếu này đang giao dịch tại mốc giá 1.820 đồng/cp, giảm 45,8% so với đầu năm, vốn hóa thị trường đạt 253,4 tỷ đồng.
Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành vận tải biển Việt Nam với gần 50 năm kinh nghiệm, đội tàu tính đến cuối năm 2016 gồm 21 chiếc, tổng trọng tải hơn 500.000 DWT, nhưng trái ngược với quy mô, vị thế trong ngành, cổ phiếu VOS trong nhiều năm qua chỉ giao dịch quanh mốc hơn 1.000 – 3.000 đồng/cp.
Giá trị cổ phiếu "lẹt đẹt" cũng phản ánh phần nào tình trạng của ngành vận tải biển Việt Nam, khi đội tàu với tải trọng nhỏ, tuổi đời ngày càng cao, vẫn đang loay hoay tìm hướng đi, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Linh Đan