Tại hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Tổng cục Lâm nghiệp vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thị trường thương mại nội thất và đồ gỗ của thế giới lớn với khoảng 430 tỷ USD, giá trị thương mại đồ nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu (XK) đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu.
Mục tiêu 11 tỷ USD
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện cả nước đã có 4.500 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và lâm sản và trên 1.800 DN chế biến sản phẩm XK, trong đó có khoảng 500-600 DN gỗ trực tiếp tham gia XK sang các nước khác nhau.
"Hiện có không ít DN khác đang hướng tới thị trường EU khi Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT) được thực hiện", báo cáo nêu.
Số liệu thống kê cho thấy, giá trị XK lâm sản tăng đều trong 6 tháng qua, ổn định ở mức xấp xỉ 20% so với cùng kỳ năm 2018. Giá trị XK lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 5,23 tỷ USD, đạt 50% kế hoạch năm; xuất siêu ước khoảng gần 4 tỷ USD.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, điểm đến của 87% giá trị kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống (Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc) có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam tiếp tục khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế; duy trì vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới về XK lâm sản.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giao nhiệm vụ cho ngành lâm nghiệp phải đảm bảo XK lâm sản đạt 11 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia và DN gỗ, ngành gỗ sẽ khó đạt được mục tiêu này nếu các DN không xây dựng thương hiệu, đáp ứng quy định khắt khe về nguồn gốc xuất xứ gỗ khi vào thị trường EU.
"Đồng USD hiện tăng giá là tín hiệu tốt cho XK đồ gỗ Việt Nam trong năm nay, nhưng vẫn còn những rào cản đến từ bản thân các DN. Nhiều DN chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm thì khó mà khẳng định được tên tuổi và thương hiệu của mình trên thị trường thế giới", một chuyên gia nói.
Nhiều DN đang hướng tới thị trường EU khi VPA/FLEGT được thực hiện |
DN gỗ Việt còn yếu
Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA) Nguyễn Quốc Khanh cho rằng thương hiệu của các DN trong ngành gỗ "còn rất yếu".
"Chuỗi giá trị này ở các DN gỗ chỉ đạt mức trung bình, do năng suất thấp, chất lượng chưa ổn định", ông Khanh chia sẻ.
Chưa kể, từ 1/6/2019, DN gỗ Việt còn phải đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc khi XK sản phẩm. Không chỉ đơn giản ở tờ giấy xác nhận mà toàn bộ chuỗi cung ứng tạo ra sản phẩm gỗ cũng phải hợp pháp, chỉ cần một khâu nào đó không đạt, DN sẽ bị "tuýt còi".
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc công ty Phúc Kiến (Đồng Nai) cho biết: "DN chúng tôi luôn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ giấy tờ hợp pháp để sản phẩm có giá trị cao hơn khi có khách hàng EU và sẵn sàng chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp của mình". Tuy nhiên, điều mà ông Thành phân vân đó là hiện nay rất nhiều hộ chế biến nhỏ không có giấy phép đăng ký kinh doanh, vậy sẽ quản lý họ như thế nào?
Ông Lê Khắc Côi, Phó Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam, cũng tỏ ra lo lắng về tác động của VPA/FLEGT, đặc biệt là về cách đánh giá, phân loại DN.
"DN cần một bộ tiêu chí cụ thể trong vấn đề này để chúng tôi tự xem DN đã đáp ứng được những điều kiện gì, còn thiếu những gì để kịp điều chỉnh", Giám đốc công ty TNHH Thanh Thủy (Bình Định) nói.
Theo quy định của VPA/FLEGT có 4 nội dung mới tác động trực tiếp đến các DN là: quản lý gỗ nhập khẩu, phân loại DN, xác minh XK gỗ và cấp phép FLEGT.
Bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) – một tổ chức đã theo sát quá trình đàm phán giữa VPA/FLEGT và là đơn vị hỗ trợ tuyên truyền và phổ biến Hiệp định, cho biết trong toàn bộ chuỗi cung ứng tạo ra sản phẩm gỗ hợp pháp, chỉ cần một khâu nào đó không hợp pháp thì sản phẩm cuối không được coi là hợp pháp.
"Khi được xếp loại 1 thì sẽ dễ dàng hơn, được cấp phép nhanh hơn. Nếu DN chỉ vi phạm hoặc không tuân thủ chỉ một trong các quy định thì sẽ bị xếp vào nhóm 2. Như vậy, một năm sau, DN mới được đánh giá lại", bà Liên lưu ý.
Thanh Hoa