Chính phủ đang cân nhắc khả năng tăng thuế xuất khẩu (XK) dăm gỗ ở mức 2% hiện tại lên 5%. Nếu thuế XK dăm gỗ tăng lên 5%, mỗi năm ngân sách tăng nguồn thu này lên khoảng 897 tỷ đồng.
Về đề xuất này, theo ông Nguyễn Nị, Giám đốc công ty TNHH nguyên liệu giấy Dung Quất, nói đến giá trị XK dăm gỗ là nói đến người trồng rừng, nên nếu đánh thuế 5%, những người chịu ảnh hưởng đầu tiên là hộ dân tham gia trồng rừng chứ không phải là doanh nghiệp (DN) chế biến.
Bẻ ngọn sao sinh cành
Các DN chỉ gặp khó khăn trong thời gian đầu vì hàng tồn kho và các hợp đồng đã ký trước, tuy nhiên sau đó sẽ phải cân đối lại để giảm giá thu mua phải trả cho người trồng rừng. Về lâu dài, giá thành cao sẽ làm các công ty thu mua ngoài nước tìm kiếm thị trường khác tốt hơn, giá rẻ hơn để mua, lúc đó lượng cầu sẽ giảm.
Ông Nị kiến nghị, thay vì tăng thuế nên tập trung chính sách tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn, vì đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, quy hoạch vùng trồng rừng gỗ lớn sẽ giúp chủ động nguồn nguyên liệu, tạo cơ hội cho DN tiếp cận được nguồn gỗ chất lượng cao phục vụ sản xuất chế biến gỗ tinh XK, giải quyết được nhu cầu về việc làm trong nước.
Việc khuyến khích trồng rừng gỗ lớn tạo nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ là phù hợp với tất cả các DN chế biến gỗ trong nước, bao gồm cả chế biến dăm gỗ XK. Vì trên thực tế, gỗ già, lớn chất lượng tốt sẽ tăng lợi nhuận trong sản xuất chế biến dăm gỗ XK. Ngoài ra, việc sử dụng cây gỗ lớn để chế biến các sản phẩm từ gỗ làm ngành chế biến gỗ từ gỗ rừng trồng phát triển, các DN đủ tự tin đưa hàng Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tương tự, đại diện CTCP Lâm sản Pisico Quảng Nam cho hay, nguyên tắc kinh doanh của các DN chế biến dăm gỗ là giá bán trừ chi phí chế biến, chi phí XK, thuế định mức…, còn lại là giá thu mua nguyên liệu. Không bao giờ DN chịu thuế để rồi phải chịu lỗ. Nếu tăng thuế, giá thu mua nguyên liệu sẽ giảm, người trồng rừng sẽ là người gánh chịu, đồng nghĩa với phong trào đẩy mạnh trồng rừng sẽ khó khăn hơn nhiều.
"Vậy, Nhà nước có nên đánh thuế để tạo nguồn cung nguyên liệu dồi dào hơn hay không Chưa nói tới thị trường quốc tế, nhà nhập khẩu không bao giờ tăng giá mua cho Việt Nam để họ chịu lỗ", đại diện DN này đặt vấn đề.
Do đó, DN cho rằng cần xem xét mặt lợi, mặt thiệt của chính sách. Có nên triệt tiêu mặt hàng này, để phát triển mặt hàng khác Điều này chẳng khác việc "bẻ ngọn để sinh cành", trong khi cành đâu chưa thấy.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH nguyên liệu giấy Quy Nhơn, việc tăng thuế XK sẽ làm giảm sức cạnh tranh của ngành dăm gỗ Việt Nam đối với các thị trường XK dăm gỗ khác, vì phải bán với giá cao hơn mới đảm bảo lợi nhuận cho DN, như vậy sẽ khiến khách hàng chuyển hướng sang thị trường khác. Hệ lụy là ngành dăm gỗ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể duy trì hoạt động và phát triển.
Hiện nay, ngành chế biến và XK dăm gỗ của Việt Nam tiếp tục xu hướng mở rộng kể từ năm 2001. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nước XK dăm gỗ lớn nhất trên thế giới.
Mặc dù là nước đứng đầu thế giới về cung dăm gỗ ra thị trường, ngành dăm Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để định hình thị trường tiêu thụ dăm gỗ thế giới. Ngành này có sự phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Đề xuất tăng thuế XK dăm gỗ ở mức 2% hiện tại lên 5% |
Cần tiếp tục cân nhắc
Tại Trung Quốc, dăm gỗ Việt Nam không cạnh tranh được với dăm gỗ các nước khác về mức giá. Giá XK dăm gỗ thấp do chất lượng dăm gỗ của Việt Nam kém hơn chất lượng dăm gỗ của các nước. Hiện tượng lẫn tạp chất, độ ẩm cao, ẩm mốc, hàm lượng xenluloza thấp trong dăm gỗ Việt Nam là tương đối phổ biến.
Trong điều kiện nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào tương đối sẵn, mức thuế xuất bằng 0% (năm 2016) hoặc thấp (2% ở hiện tại), nhiều công ty sản xuất và XK dăm gỗ đã được hình thành với số lượng vượt khỏi sự kiểm soát của cơ quan quản lý.
Hơn nữa, theo thông tin từ một số DN dăm, ngành dăm gỗ có hiện tượng làm giá bởi các DN Trung Quốc tại Việt Nam, thuê quản lý người Việt. Họ phối hợp với nhau để dìm giá.
Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước kỳ vọng việc tăng thuế sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển trong khâu sản xuất nguyên liệu, từ gỗ nhỏ cung cho ngành dăm sang gỗ lớn cung cho ngành chế biến gỗ, dịch chuyển trong sản xuất từ dăm sang đồ gỗ và dịch chuyển trong cơ cấu XK thông qua việc giảm tỷ trọng XK gỗ nguyên liệu, bao gồm dăm, sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, cho hay rất đồng cảm với đề xuất tăng thuế dăm gỗ. Theo ông, trước đây, chúng ta cũng hay nói tới câu chuyện cần có hàng rào thuế quan để bảo vệ nguồn gỗ cho ngành chế biến gỗ. Hiện nay, ngành gỗ đang có tốc độ tăng trưởng mạnh, trong điều kiện chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra – nhu cầu nguyên liệu diễn ra mạnh mẽ.
Hơn nữa, trong những năm qua, nguồn nguyên liệu sử dụng trong nước bằng gỗ tràm, cao su sử dụng lên tới 80%, nguồn nguyên liệu nhập khẩu giảm đi. Kết quả, ngành chế biến gỗ trở thành ngành có giá trị XK giữ lại lớn nhất trong các ngành kinh tế. Vì vậy, đề xuất tăng thuế dăm gỗ là dễ hiểu.
Ông Hiệp cho rằng điều cần làm hơn cả là cải tiến giống gỗ để cung cấp nguồn nguyên liệu tốt hơn, giá trị gia tăng cao hơn.
Tuy nhiên, ông Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends – chuyên nghiên cứu, phân tích chính sách lâm nghiệp tại Việt Nam), cho rằng vẫn chưa có bất cứ đánh giá nào về vai trò của thuế XK dăm gỗ đối với việc chuyển dịch nguồn nguyên liệu và dịch chuyển trong sản xuất và XK.
Điều này có nghĩa rằng trước khi thay đổi mức thuế hiện nay, Chính phủ cần có những đánh giá khách quan về hiệu quả và tác động của thuế về các dịch chuyển trong các khâu theo kỳ vọng. Đánh giá cũng cần quan tâm đến khía cạnh tác động của thuế đối với sinh kế của các hộ trồng rừng.
Chính phủ cần đưa ra các cơ chế đảm bảo việc áp dụng, tăng hoặc giảm thuế XK không tạo ra bất cứ tác động tiêu cực tới nguồn thu của các hộ trồng rừng. Nguồn thu của hộ trên một đơn vị sản phẩm sau khi áp thuế ít nhất phải bằng với nguồn thu của hộ trên cùng đơn vị sản phẩm trước áp thuế.
"Không đạt được mục tiêu cốt lõi này sẽ làm giảm giá trị của chính sách thuế, hoặc thậm chí thuế có thể trở thành công cụ để chuyển một phần nguồn thu ít ỏi của hộ trồng rừng, bao gồm nhiều hộ nghèo, thành nguồn thu cho ngân sách. Điều này đi ngược lại với những kỳ vọng xóa đói giảm nghèo của Chính phủ", ông Phúc nói.
Lê Thúy
Ông Phan Văn Cường - Giám đốc CTCP Lâm sản Pisico Quảng Nam Không nên dùng hàng rào thuế (áp thuế, tăng thuế), mà hãy tìm ra câu trả lời tại sao người trồng rừng không trồng gỗ lớn. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban ngành trung ương có đánh giá tác động của việc tăng thuế XK dăm gỗ để có lộ trình tăng thuế phù hợp, không để tác động tiêu cực đến diện tích rừng trồng và người trồng rừng. Ông Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trends Đến nay, vẫn chưa có bất cứ đánh giá nào về vai trò của thuế XK dăm gỗ đối với việc chuyển dịch nguồn nguyên liệu và dịch chuyển trong sản xuất và XK. Điều này có nghĩa rằng trước khi thay đổi mức thuế hiện nay, Chính phủ cần có những đánh giá khách quan về hiệu quả và tác động của thuế về các dịch chuyển trong các khâu theo kỳ vọng. Đánh giá cũng cần quan tâm đến khía cạnh tác động của thuế đối với sinh kế của các hộ trồng rừng. Ông Cao Chí Công - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị với cơ quan quản lý thuế (Bộ Tài chính) lắng nghe các ý kiến về đề xuất tăng thuế XK dăm gỗ. Tại thời điểm này, quan điểm của Bộ NN&PTNT là chưa nên xem xét tăng thuế, vì vậy các DN cứ yên tâm kinh doanh. |