Khảo sát thị trường cho thấy, giá lợn hơi ngày 31/8 ở 3 miền trên cả nước biến động trong khoảng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với hôm qua. Hiện, giá lợn hơi được thu mua trong khoảng 50.000 - 56.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi nhỏ vẫn rơi vào tình cảnh khó khăn, thua lỗ.
Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Công Thương đàm phán song phương với các nước đang xuất siêu nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sang Việt Nam có chính sách ưu đãi về thương mại. |
Trong đó, giá lợn hơi tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 53.000 - 56.000 đồng/kg. Cụ thể, tại tỉnh Bắc Giang, giá lợn hơi báo giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, hiện được thu mua với mức 55.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không thay đổi.
Giá lợn hơi tại miền Trung - Tây Nguyên dao động trong khoảng từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Trong đó, tại tỉnh Thanh Hóa, giá lợn hơi tăng 1.000 đồng/kg lên mức 54.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Định, giá lợn hơi đang ở mức thấp nhất toàn miền: 50.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Nam dao động trong khoảng từ 51.000 - 54.000 đồng/kg. Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp, giá lợn hơi tăng mạnh 3.000 đồng/kg lên mức 54.000 đồng/kg.
Ngược lại, tại tỉnh An Giang, Bến Tre, giá lợn hơi đồng loạt giảm 1.000 đồng/kg xuống 53.000 đồng/kg. Tương tự, giá lợn hơi ở tỉnh Hậu Giang cũng giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 51.000 đồng/kg. Còn tại "thủ phủ chăn nuôi" Đồng Nai, giá lợn hơi đang ở mức thấp 51.000 đồng/kg.
Tương tự lợn hơi, mức độ tiêu thụ sản phẩm gia cầm (ngoại trừ mặt hàng trứng) gặp rất nhiều khó khăn, giá bán chạm đáy, dưới giá thành sản xuất. Từ đó dẫn đến, trang trại và hộ chăn nuôi dè dặt tái đàn, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nước về thịt gia cầm vào các tháng cuối năm, trong khi chi phí vận chuyển hàng vật tư, sản phẩm chăn nuôi tăng cao.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, giá lợn hơi cũng như giá gia cầm trong thời gian qua ở mức thấp là do khâu giết mổ, chế biến hoặc sơ chế bị đứt gãy, người chăn nuôi phải phát sinh các chi phí chăm sóc, ăn uống khi không xuất chuồng được, giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y ngày một tăng.
Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Công Thương đàm phán song phương với các nước đang xuất siêu nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sang Việt Nam có chính sách ưu đãi về thương mại, trước hết là ngô, lúa mỳ, đậu tương, khô đậu tương, DGGS (bã rượu khô), cám chiết ly từ thị trường Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Úc, Ucraina, Nga.
Mặt khác, các địa phương cần chỉ đạo giải quyết triệt để tình trạng ách tắc trong vận chuyển vật tư đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống, chất độn chuồng, thiết bị chăn nuôi và sản phẩm đầu ra thuộc khu vực trại chăn nuôi tại các tỉnh/thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Thy Lê