Khảo sát giá lợn hơi ngày 6/8 cho thấy giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tại nhiều địa phương trên cả nước, dao động trong khoảng từ 50.000 - 55.000 đồng/kg.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng lần thứ 8 liên tiếp khiến người chăn nuôi càng thêm khó khăn. |
Tại miền Bắc, giá lợn hơi giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá lợn hơi tại Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Ninh Bình giảm 1.000 đồng/kg, xuống còn 54.000 đồng/kg. Tương tự, sau khi giảm 2.000 đồng/kg, tỉnh Thái Bình điều chỉnh giao dịch xuống mức 54.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Trung - Tây Nguyên cũng giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Theo đó, cùng giảm 1.000 đồng/kg, các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Bình Định thu mua lợn hơi chung mốc 54.000 đồng/kg. Các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Thuận và Nghệ An cùng giảm 2.000 đồng/kg, hiện đang giao dịch trong khoảng 53.000 - 54.000 đồng/kg. Tỉnh Quảng Trị hiện đang giao dịch với giá 52.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam giảm 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg.
Sau khi giảm 2.000 đồng/kg, Cà Mau, Bạc Liêu và Đồng Tháp hiện đang thu mua lợn hơi với giá từ 50.000 - 51.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất trong khu vực là 53.000 đồng/kg, được ghi nhận tại Long An, An Giang, Vĩnh Long,...
Giá lợn hơi giảm sâu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng, điều này khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ. Mới đây, hàng loạt doanh nghiệp thông báo tiếp tục tăng giá thức ăn chăn nuôi. Mức tăng từ 250 đồng/kg – 4.000 đồng/kg tùy doanh nghiệp và chủng loại thức ăn. Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 lần liên tiếp, thậm chí có doanh nghiệp tăng tới 9 lần.
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo tăng từ 200 - 400 đồng/kg với tất cả loại thức ăn; Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam cũng vừa điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi tăng 200 - 2.000 đồng/kg...
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục có các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi; tiếp tục chính sách hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật để tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học nhằm ổn định thị trường và giá cả thịt lợn.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ theo dõi sát nhu cầu thị trường, diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới để kịp thời phối hợp với địa phương. Doanh nghiệp cần triển khai các biện pháp không để tình trạng tăng đột biến về giá và không đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Thy Lê