Sáng ngày 17/9, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg khu vực Nam bộ.
Vụ lúa Đông Xuân ở Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn còn thiếu khoảng 50 ngàn tấn giống. |
Báo cáo những khó khăn về trồng trọt ở các tỉnh phía Nam, Tổ công tác 970 cho biết: Vụ lúa Hè Thu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã thu hoạch 1.280 triệu ha, năng suất đạt 56,6 tạ/ha, sản lượng đạt 7,2 triệu tấn, diện tích còn lại sẽ thu hoạch trong tháng 9 là 230 nghìn ha, ước sản lượng 1,3 triệu tấn. Lúa Thu Đông đã gieo sạ 580.000 ha, đạt 83% so với kế hoạch, ước cả vụ sẽ xuống giống 700 ngàn ha.
Vụ Lúa Đông Xuân tại Đồng bằng Sông Cửu Long và vụ lúa chính, diện tích gieo trồng khoảng 1,5 triệu ha với sản lượng hơn 10 triệu tấn lúa, có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, sản lượng nhiều, giá thành thấp, giá bán cao đáp ứng các mục tiêu về lợi nhuận, xuất khẩu, tăng trưởng và an ninh lương thực cho toàn vùng Nam Bộ; giá trị lúa gạo ước đạt đến 60 nghìn tỷ đồng.
Xét nhu cầu lúa giống cho cả vụ ước tính cần khoảng 200 ngàn tấn, trong khi năng lực các công ty sản xuất và kinh doanh hạt giống lúa và Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long chỉ cung ứng tối đa 100 ngàn tấn giống, các hợp tác xã, hộ sản xuất giống kinh doanh và trao đổi giống đạt phẩm cấp có thể cung ứng khoảng 50 ngàn tấn giống. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 50 ngàn tấn.
Trong điều kiện sản xuất bình thường, khả năng sử dụng giống đạt phẩm cấp có thể chiếm tỷ lệ 75-80%, phần còn lại do nông dân tự chọn lựa làm giống nhưng trong tình hình dịch COVID-19 do việc thu hoạch, sơ chế bảo quản giống tại công ty và hệ thống sản xuất giống nông hộ gặp khó khăn nên việc cung ứng giống đạt phẩm cấp cho sản xuất có thể thiếu so với nhu cầu.
Trước tình hình khó khăn của vụ lúa Đông Xuân ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Tổ Công tác 970 kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất: Chính phủ hỗ trợ 5.000 tấn lúa giống từ nguồn dự trữ Quốc gia cho các khu vực xuống giống rất sớm đầu tháng 10/2021 (khoảng 50 nghìn ha) và hỗ trợ 50% nhu cầu lúa giống (khoảng 1.300 tỷ) cho các địa phương có lịch xuống giống vụ Đông Xuân trong tháng 10 và tháng 11/2021; 50% nhu cầu lúa giống còn lại cần cho sản xuất vụ Đông Xuân tại các địa phương khoảng 100 tấn.
Đồng thời, Tổ Công tác 970 cũng đề nghị cho các địa phương áp dụng Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa hoặc huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án lồng ghép; các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa giống.
Các tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ lúa giống phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng hoặc 1 phải, 5 giảm để góp phần giảm lúa giống xác nhận còn 100kg/ha. Việc hỗ trợ lúa giống như trên nhằm đảm bảo cho sản xuất lúa Đông Xuân 2021 - 2022 được ổn định về diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng với tổng thu lại từ giá trị lúa thương phẩm được 60 nghìn tỷ đồng.
Ngoài việc hỗ trợ lúa giống, Bộ NN&PTNT cũng cần kiến nghị Chính phủ và các tỉnh Nam Bộ có chính sách hỗ trợ giống cho cây rau màu, cây hàng năm và các giống cho chăn nuôi, thủy sản.
Thy Lê