Bộ Tài chính cho biết khi thực hiện theo phương án này, số ngân sách nhà nước dự kiến giảm khoảng 1.601 tỷ đồng/năm đối với mặt hàng ngô và giảm khoảng 219,5 tỉ đồng/năm đối với mặt hàng lúa mì.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô từ 5% xuống 2% nhằm giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi. |
Ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam tăng trưởng và phát triển khá, với mức tăng trung bình đạt 13-15%/năm. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất, nhưng lại chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Mỗi năm, Việt Nam nhập tới trên 9,9 triệu tấn ngô, chiếm gần một nửa tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, tương ứng gần 2 tỷ USD. Còn lúa mì cũng nhập khẩu lên tới 125 triệu USD.
Theo Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá ngô hạt tăng 35%, khô dầu đậu tương tăng 35,5%, cám mì tăng 32,8%. Giá nguyên liệu tăng đẩy giá thức ăn thành phẩm tăng từ 12-14% tùy loại.
Ngoài ra, đa số doanh nghiệp phải nhập khẩu trên 90% nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi nên giá nguyên liệu nhập khẩu tăng đã tác động trực tiếp tới giá thức ăn chăn nuôi trong nước, khiến các doanh nghiệp chăn nuôi đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ và gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh phục hồi sản xuất tại những tỉnh đã bắt đầu khống chế được dịch COVID-19, đại diện Cục Chăn nuôi khẳng định, nếu đề xuất trên được thông qua, sẽ tác động tích cực tới việc phục hồi hoạt động chăn nuôi của bà con nông dân, đảm bảo cung ứng lương thực dịp cuối năm. Bởi vào cuối năm nhu cầu lương thực thực phẩm tăng từ 10% đến 12%.
Hoàng Hà