Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết tại Triển lãm Quốc tế thuỷ sản 2019 (Vietfish) mới diễn ra, giữa gian hàng đông cứng khách, đa số là khách quốc tế đang trao đổi, đàm phán, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn đã xếp một bàn nhỏ riêng, trưng bày các sản phẩm mới được Vĩnh Hoàn sản xuất – đó là những sản phẩm được tạo ra từ phụ phẩm thủy sản.
“Với sự đa dạng hóa các dòng sản phẩm mới dựa trên hệ thống sản xuất công nghệ cao và nguồn phụ phẩm trong quá trình sản xuất cá tra fillet – da cá, Vĩnh Hoàn đã qua một chặng đầu rất thận trọng cho ra đời sản phẩm collagen đã có tiếng trên thị trường từ giữa năm 2015”, bà Hạnh chia sẻ.
Đã có nhưng mới manh nha
Theo Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, việc tạo ra các sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp không chỉ là hướng đi của DN lớn, mà các DN khởi nghiệp cũng đã bắt đầu đi theo hướng này. Tại Singapore, công ty Cỏ May của ông Phạm Minh Thiện không chỉ bán tốt mặt hàng gạo, mà cũng đang chào hàng các hệ thống phân phối món nấm rơm sạch với nước chấm, bột nêm từ nấm rơm… Hay không gắn với cá và lúa, ông Ngô Chí Công, công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Khởi Minh Thành Công, lại chọn một loại nông sản khác là sen, trong đó chuyên thực hiện các sản phẩm sen nghệ thuật từ công nghệ sấy tiên tiến; đưa lá sen, hoa sen, đài sen làm trà, làm vật trang trí cho ví, áo, túi xách và cả làm tranh sen…
“Từ người giàu nhất trong nghề xuất khẩu cá tra như bà Lệ Khanh (Vĩnh Hoàn) tới những bạn trẻ mới khởi nghiệp như Ngô Chí Công, hay như Phạm Minh Thiện đang không ngừng phát triển cơ nghiệp, mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện hoạt động khác nhau nhưng điều lạ là họ đều nuôi giấc mơ biến những phụ phẩm nhà quê thành món ngon vật lạ, giá trị cao”, bà Hạnh chia sẻ.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng việc tận dụng, chế đủ thứ từ nông nghiệp thì chúng ta phải học người Trung Quốc rất nhiều, từ sản xuất tới thương mại.
“Một bạn trẻ chuyên làm thương mại xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có lần chép miệng nói với tôi: Người Trung Quốc họ hay thiệt. Họ len lỏi khắp các tỉnh có nguyên liệu cá của Việt Nam, thu mua cá và tất cả phụ phẩm từ con cá, không chừa thứ gì: máu cá, da cá, xương cá, mỡ cá… về dùng và chế đủ thứ của ngành thực phẩm. Mình không tận dụng thì uổng quá vì chỉ có chế biến thì mới có giá cao và độc quyền của mình”, bà Hạnh chia sẻ.
Thống kê cho thấy mỗi năm Việt Nam có hơn 1 triệu tấn phụ phẩm thủy sản và hơn 10 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, đa phần khối lượng lớn phụ phẩm này bị đổ bỏ, lãng phí hàng tỷ USD.
Mới có dưới 10% phụ phẩm tôm được xử lý tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng |
Cần chính sách hỗ trợ
Tổng cục Thủy sản cho hay tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 7 triệu tấn/ năm. Trong đó, phụ phẩm chiếm khoảng 15-20% (khoảng hơn 1 triệu tấn). Đây là nguồn nguyên liệu quý để sử dụng và chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng, đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Song, nguồn nguyên liệu quý này chưa được khai thác tối đa.
Hiện, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản Việt Nam mới đạt khoảng 275 triệu USD, nếu khai thác hết nguồn nguyên liệu này có thể đạt 4-5 tỷ USD.
Ông Phan Thanh Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Việt Nam Food, cho rằng Iceland là một bài học rất thành công về phát triển phụ phẩm cá tuyết. Ngành thủy sản chiếm tỷ trọng lớn, trong đó cá tuyết là sản phẩm chủ lực, trong 30 năm, Chính phủ Iceland đã thành công trong tăng trưởng ngành cá tuyết từ 180.000 tấn lên đến 470.000 tấn. Tuy nhiên, do nguồn cá cạn kiệt dần, từ năm 2008, Iceland giảm hạn mức đánh bắt chỉ còn 130.000 tấn/năm để bảo tồn môi trường. Mặt khác, Iceland cũng nhận thấy chi phí xử lý phụ phẩm cao, các sản phẩm tạo ra giá trị thấp.
Vì vậy, Iceland đã thay đổi nhận thức và cách tiếp cận bằng cách phân tích thành phần dưỡng chất có trong phụ phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm từ nhu cầu thị trường và Chính phủ trực tiếp hỗ trợ các dự án nghiên cứu sản xuất và tạo liên kết các bên có liên quan trong chuỗi giá trị. Kết quả, Iceland có thể sử dụng đến 95% khối lượng đầu vào, tạo ra hơn 47.000 tấn sản phẩm mới và tạo ra ngành phụ phẩm với giá trị vượt trội.
Liên hệ với Việt Nam, ông Lộc đánh giá phụ phẩm là ngành có tiềm năng vô cùng lớn. Nếu phát triển thành công, phụ phẩm sẽ là một ngành công nghiệp mới có đóng góp tích cực vào cơ cấu toàn chuỗi giá trị và thúc đẩy nền kinh tế. Xét về các nguồn lực tự nhiên, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng về độ lớn thị trường nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, tính sẵn sàng của các DN tiên phong và sự định hướng hỗ trợ của Chính phủ.
“Vấn đề còn lại nằm ở việc tập trung phát triển khoa học công nghệ, đầu tư nghiêm túc về nhà máy sản xuất với quy mô công nghiệp và có chiến lược thương mại hóa thành công để thật sự chuyển hóa ngành này thành một ngành công nghiệp giá trị như các nước phương Tây. Sự hợp sức từ phía Chính phủ, các DN trong chuỗi, trường, viện thì mới thực hiện được sứ mệnh này. Đây là một thách thức lớn nhưng cũng chính là cơ hội cho đất nước chúng ta”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Việt trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng ngành nông nghiệp đang đứng trước hai con đường. Một là mắc ở thành tích đó rồi rơi vào vòng luẩn quẩn nếu tiếp tục chạy theo giá thấp, chạy theo số lượng mà quên mất giá trị XK, vượt qua kỷ lục nọ, kỷ lục kia nhưng giá trị thu về rất thấp.
Hai là nếu chịu chuyển đổi tập trung vào nâng cao giá trị, ngành nông nghiệp có thể thu về không phải là 40 tỷ USD mà hàng trăm tỷ USD nhờ XK các sản phẩm đã qua chế biến và các phụ phẩm.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp phải đầu tư đẩy mạnh vào nghiên cứu công nghệ ở các trường đại học, viện nghiên cứu và nâng cao chất lượng trình độ lao động nông nghiệp, tức là phải tập trung đầu tư vào con người.
Thy Lê