Thành công từ 400 m2 nấm rơm của gia đình, anh Nguyễn Quốc Cường đã kêu gọi một số thanh niên cùng nhau thành lập HTX. Tháng 1/2017, HTX Nấm và Dịch vụ nông nghiệp Ea Súp được thành lập với 7 thành viên cùng số vốn gần 200 triệu đồng.
Trồng nấm trong nhà
Trồng nấm rơm là nghề khá mới mẻ ở Ea Súp. Tuy mới phát triển được 2 năm nhưng đến nay, hoạt động trồng nấm rơm của HTX đã tận dụng tốt phế phẩm rơm trên đồng ruộng, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho các thành viên và nông dân nhờ giá nấm rơm luôn ổn định.
Từ kinh nghiệm của bản thân và nhiều lần đi thực tế, Ban Giám đốc HTX nhận ra rằng thời tiết thay đổi khắc nghiệt cũng làm giảm đáng kể năng suất, chất lượng nấm trồng ngoài trời.
Bên cạnh đó, khi trồng nấm rơm ngoài trời, dù sau mỗi vụ thu hoạch, thời gian cách ly sang vụ khác từ 6 tháng đến 1 năm nhưng trên nền đất chất rơm, nguồn bệnh vẫn còn và rất khó xử lý, thường ảnh hưởng rất lớn đến năng suất nấm. Hơn nữa, trồng nấm rơm ngoài trời do thay đổi nền đất liên tục nên sản xuất không ổn định, không tập trung, khó mở rộng diện tích.
Chính vì vậy, thay vì trồng ngoài trời, HTX thực hiện trồng nấm trong nhà. Tuy phải trải qua nhiều công đoạn như thiết kế kệ, ủ rơm, đảo rơm, lắp đặt hệ thống phun tưới, quạt hút gió… nhưng trồng nấm trong nhà lại giúp các thành viên điều chỉnh được nhiệt độ, hạn chế được dịch bệnh, từ đó cho năng suất cao hơn.
Hiện nay, HTX có 3 nhà trồng nấm rơm, mỗi nhà có diện tích 75 m2, mái lợp tôn, nền nhà trồng tráng xi măng. Mỗi nhà nấm trồng được 120 mô nấm.
Theo các thành viên, trồng nấm vào vụ Đông Xuân cho hiệu quả và năng suất cao hơn, vì chất lượng rơm thời điểm này tốt nhất trong năm. Tuy nhiên, để trồng nấm có năng suất cao, HTX cũng chỉ sử dụng rơm rạ mới, không bị nhiễm nấm dại, mốc, vi khuẩn…
Đến nay, trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp 2 tấn nấm ra thị trường. Sản phẩm tạo niềm tin với người tiêu dùng vì bảo đảm không phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng trong rơm, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, chất bảo quản…
Giám đốc Nguyễn Quốc Cường trong nhà nấm của HTX |
Giải quyết phế phụ phẩm
Với đầu ra thuận lợi, HTX mang về thu nhập 15 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên. HTX Ea Súp còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Việc thành lập HTX đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên như việc thu mua rơm từ đồng ruộng tại địa phương với giá rẻ. Việc trồng nấm rơm trong nhà kín không lệ thuộc vào thời tiết bên ngoài, nấm sáng đẹp, giá bán cao hơn so với nấm trồng ngoài đồng.
Do chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên 70 - 80% người dân xã Ea Súp trồng lúa với lịch trồng 3 vụ/năm. Mỗi khi tới vụ thu hoạch, rơm rạ chỉ được người dân tận dụng một ít để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi, còn lại là được chất đống và đốt, gây khói mù làm ô nhiễm môi trường.
Anh Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc HTX, cho biết lý do chọn cây nấm để gắn bó là vì trong những năm trước, phong trào “Thanh niên nông thôn tỉnh Đăk Lăk thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” do Tỉnh đoàn phát động đã thu hút không ít thanh niên.
Trong đó, mô hình trồng nấm rơm bền vững và thân thiện với môi trường với hoạt động sản xuất và tiêu thụ tập trung, dưới hình thức HTX được các cấp ngành khuyến khích vì phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương nên anh và các thành viên quyết tâm thực hiện.
“Phát triển mô hình trồng nấm đã giúp nguồn rơm rạ được tận thu, tạo điều kiện cho các thành viên phát triển kinh tế ngay tại địa phương”, anh Cường nói.
Cứ qua mỗi năm, mô hình trồng nấm rơm an toàn của HTX càng mở rộng. Năm nay, ngoài việc tận dụng rơm của các hộ thành viên, HTX còn thu mua thêm rơm của các hộ dân địa phương, có ngày cao điểm, HTX thu mua lên đến 5 tấn rơm.
Bình quân mỗi bánh rơm khô (17 kg) được HTX thu mua của người dân với giá 18 - 20 nghìn đồng, rẻ hơn thị trường 2 - 3 nghìn đồng/bánh. Các bánh rơm sẽ được lên kệ phân thành 3 tầng. Rơm khô ủ chín 8 – 10 ngày sẽ được cấy meo nấm.
Nếu như trước kia, rơm là chất thải bỏ đi thì nay, nhờ hoạt động trồng nấm hàng hóa, rơm đã trở thành nguyên vật liệu đầu vào của quá trình sản xuất. Đây chính là giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu gánh nặng cho môi trường và đem lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Không dừng lại ở đó, bã rơm sau khi chất nấm được HTX tận dụng để bón cho cây ăn trái và rau màu, vừa góp phần gia tăng lợi ích kinh tế, cải tạo môi trường đất nông nghiệp.
Huyền Trang