Với tư duy khác biệt, năm 2015, 8 hộ nông dân tại xã Chiềng Pằn đã quyết tâm tổ chức sản xuất bài bản trong một mô hình HTX, tiến hành trồng và kinh doanh rau sạch. Sau 3 năm thành lập, đến nay, HTX đã là mô hình liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản an toàn theo chuỗi hiệu quả trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Đáp ứng thị trường
HTX nông nghiệp Chiềng Phú đang thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình, kỹ thuật mới, không dùng phân hóa học, không dùng thuốc BVTV trong sản xuất rau quả. Nói đúng hơn là HTX dùng phân hoai mục và dùng thuốc thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh cho rau, quả.
Với cách sản xuất này, năng suất không cao hơn nhiều so với trồng rau truyền thống, thời gian sinh trưởng cũng dài hơn so với cách thông thường 5 - 10 ngày nhưng sản phẩm lại có giá cao hơn, trung bình đắt gấp rưỡi rau thông thường.
Trong bối cảnh người nông dân được giá mất mùa, được mùa mất giá, liên kết của các hộ dân trong HTX để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã tạo nguồn hàng hóa dồi dào, cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường và không bị thương nhân đầu mối ép giá.
Theo Ban Giám đốc HTX, lúc đầu sản phẩm của HTX rất khó tiêu thụ. Lý do là vì mẫu mã rau, củ, quả không được bắt mắt, mỡ màng như loại rau bán trên thị trường. Tuy vậy, dần dần những người tìm đến sản phẩm rau sạch, hoặc những khách hàng khó tính, lựa chọn rau an toàn cho đời sống hàng ngày tăng cao, họ chấp nhận giá cao và không quá đề cao vấn đề mẫu mã.
Đến nay, HTX hình thành một mạng lưới khách hàng ngày càng đông đảo. Các cửa hàng siêu thị, trường học… dần dần tìm đến. Nhờ kiên trì sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, không làm dối, làm ẩu nên khách hàng hoàn toàn hài lòng với sản phẩm của HTX làm ra.
Mức sản xuất của HTX hiện nay là khoảng 130 tấn rau/năm. Sản phẩm làm đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thêm khoảng 2ha để đáp ứng thị trường theo phương châm “mùa nào thức nấy”.
Mô hình trồng rau an toàn của HTX |
Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp
Thực tế cho thấy việc sản xuất rau quả lâu nay vẫn thải một lượng rác lớn, chủ yếu từ hoạt động nhổ cỏ, cắt tỉa, nhổ rau…
Lượng phụ phẩm này thường bị bỏ lại trên bờ ruộng, đổ ra ven đường hay thậm chí chất đống ngay tại vườn để tự phân hủy hoặc vùi lấp sơ sài trên bờ cho tự phân hủy đã gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ phát tán tới vùng hạ nguồn, ách tắc dòng chảy mỗi khi mùa mưa đến.
Nhận thấy lượng phụ phẩm phát thải trong sản xuất không nhỏ, HTX đã tiến hành xử lý thành phân hữu cơ để tiết kiệm chi phí đầu tư, giữ vệ sinh môi trường.
Để biến phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, HTX đã thu gom các nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp, tận dụng từ các loại lá cây, cỏ dại, thân cây, kết hợp với phân dê, bò chưa qua xử lý. Sau đó, HTX dùng men vi sinh ủ phế phẩm, tạo thành phân có chứa nhiều khoáng chất có lợi cho cây rau màu.
Mô hình xử lý phế phẩm nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX. Tuy không thể đạt năng suất mong muốn, nhưng việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh có tầm quan trọng đặc biệt đối với HTX, không những làm cho môi trường trở nên sạch, đất tơi xốp, dễ canh tác, giữ nước nên tránh được xói mòn, mà còn trả lại cho đất những phần dinh dưỡng mà cây đã lấy đi, giảm thiểu được việc lạm dụng phân bón hóa học, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch và an toàn.
Sản xuất rau theo quy chuẩn với việc kiểm soát các yếu tố đầu vào, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất của HTX giúp giảm rõ rệt các tác nhân gây ô nhiễm môi trường từ phân bón, thuốc BVTV dư thừa. Quy trình sản xuất rau của HTX lại tốn ít chi phí, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện địa hình đồi núi của địa phương.
Như Yến