Từ đầu năm đến nay, các bộ ngành, địa phương cùng doanh nghiệp (DN) đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp tiêu thụ cho ngành lúa gạo, tuy nhiên xem ra vẫn khó có thể cản đà xuất khẩu (XK) gạo giảm cả về sản lượng lẫn giá trị.
Dự báo giá gạo tiếp tục giảm
Khảo sát trong tháng 6 tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm. Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại Vĩnh Long, lúa IR50404 vụ Hè Thu giảm 150 đ/ kg xuống còn 4.050 đ/ kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đ/kg; gạo Jasmine ở mức 14.000 đ/kg. Tại An Giang, gạo IR50404 không đổi ở mức 10.000 – 11.000 đ/kg; gạo chất lượng cao ở mức 13.000 đ/kg; gạo thơm đặc sản Jasmine ở mức 13.500 đ/ kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 giảm 600 đ/kg xuống còn 4.900 đ/kg; lúa OM 4218 giảm 200 đ/kg xuống còn 5.400 – 5.600đ/kg; lúa OM 6976 ở mức 5.500 – 5.600 đ/ kg; lúa Jasmine giảm 200 đ/kg xuống 5.900 – 6.000 đ/kg.
Tính trong 6 tháng đầu năm, giá lúa, gạo trong nước diễn biến tăng đối với lúa Đông Xuân và giảm đối với lúa Hè Thu. Cụ thể, lúa thường tại An Giang, Vĩnh Long tăng 300 – 500 đ/kg trong vụ Đông Xuân và giảm 150 đ/kg với vụ Hè Thu đang thu hoạch. Dự báo giá lúa, gạo trong nước tiếp tục giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu, chất lượng lúa Hè Thu kém nên không thu hút khách hàng.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết khối lượng gạo XK tháng 6/2019 ước đạt 625 nghìn tấn với giá trị đạt 275 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,39 triệu tấn và 1,46 tỷ USD, giảm 2,8% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo XK bình quân 5 tháng đầu năm 2019 đạt 429 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, những tháng đầu năm 2019, ngành lúa gạo gặp khó khăn về thị trường, đặc biệt là tại các thị trường lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh. Nguyên nhân là tồn kho gạo từ vụ cũ ghi nhận ở mức cao tại Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia. Trong khi đó, Bangladesh không những khôi phục sản xuất sau lũ lụt vào năm 2017, mà còn lên kế hoạch XK gạo trong năm nay.
Ngoài ra, các quốc gia như Myanmar, Campuchia, Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo XK. Trung Quốc không chỉ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất mà còn đang dần trở thành một nước XK lớn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định ngành gạo Việt Nam - thế mạnh đem về tỷ USD nhờ XK sẽ chịu áp lực chưa từng có khi các nước trước đây nhập khẩu nhiều, là thị trường lớn của gạo Việt Nam, giờ tự cân đối. Năm 2017-2018, các nước trên thế giới đều tích cực lấp đầy kho dự trữ của mình để đảm bảo an ninh lương thực nên đầu năm 2019 sẽ khó khăn bởi cung nhiều hơn cầu.
Trong dự báo tháng 6 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo năm 2018 - 2019 ước đạt 499,1 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 494,9 triệu tấn của năm 2017 - 2018. Do đó, dự báo giá gạo thế giới trong thời gian tới vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
XK gạo 6 tháng đầu năm giảm cả về sản lượng và giá trị |
Chủ động tìm thị trường thay thế
Vì vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định XK lúa gạo giảm mạnh khiến giá lúa trong nước giảm thấp, dự báo giá gạo có thể tiếp tục xuống thấp trong tháng tới, do chưa có nhiều hợp đồng XK mới được ký kết. Các DN cần chủ động dự trữ gạo cho thời điểm cuối năm khi giá gạo dự báo có thể tăng trở lại.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, các DN XK gạo phải có sự linh hoạt cao độ trong đi tìm thị trường mới để thay thế những thị trường giảm nhập khẩu. Cơ cấu gạo XK cũng cần thay đổi để thích nghi với thị trường mới. Hướng đến mục tiêu cơ bản nhất là thông qua XK, hỗ trợ tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân với mức giá có thể bảo đảm lợi ích cho nông dân.
Về lâu dài, Ts. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Bộ NN&PTT), cho rằng nếu cứ trông chờ vào các hợp đồng của Chính phủ, DN sẽ không thể làm được gạo chất lượng. Gạo Việt Nam XK sang những thị trường yêu cầu chất lượng cao thường bị chê chất lượng thấp.
“Cách thức sản xuất và XK gạo của Việt Nam đã quá cổ lỗ sĩ, mô hình này đã được vận hành từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, đến nay không còn phù hợp. Bên cạnh đó, các DN vẫn còn tư duy sống dựa vào các thỏa thuận của Chính phủ để cứu đói, bảo vệ an ninh lương thực cho một số nước thiếu gạo”, ông Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, Gs.Ts. Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, cho rằng ngành gạo thế giới là một thị trường rất mỏng, chỉ có hơn 10 tỷ USD nên rủi ro là rất lớn. Tái cơ cấu nông nghiệp cần nghiên cứu chuyển đổi sản xuất theo xu hướng thị trường, sản phẩm có dung lượng lớn. Ngành lúa gạo cần phải hướng đến sản phẩm chất lượng cao, gạo dược liệu.
Thy Lê