Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho hay Tập đoàn SunRice – một doanh nghiệp (DN) thực phẩm toàn cầu với doanh thu hơn 1 tỷ USD/năm, đã ra thông báo hoàn tất việc mua lại một nhà máy chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp.
Theo nhận định từ Thương vụ, đây là bước tiến quan trọng trong việc thiết lập chuỗi cung ứng hoàn thiện và bền vững tại Việt Nam.
Thiết lập chuỗi cung ứng
SunRice sẽ trang bị thêm một dây chuyền đóng gói mới cho nhà máy ở Đồng Tháp nhằm đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn về sản phẩm chất lượng cao, các tiêu chuẩn an toàn và các yêu cầu của khách hàng.
Nhà máy sau khi được đầu tư dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2019 với công suất chế biến khoảng 260.000 tấn lúa khô/năm.
Theo chia sẻ của ông Rob Gordon, Giám đốc điều hành SunRice, đó là sự cam kết duy trì tăng trưởng nguồn gạo bền vững về chất lượng và các đặc điểm kỹ thuật phù hợp với các thị trường tiêu thụ; trong thời gian nhất định, phát triển các giống lúa theo tiêu chuẩn bảo vệ IP.
Quan sát sự kiện này, giới chuyên gia cho rằng hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong chuỗi cung ứng lúa gạo đến từ các tập đoàn toàn cầu sẽ góp phần thay đổi cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt, thúc đẩy cạnh tranh gia tăng về quy mô, chất lượng.
Khi rót vốn đầu tư vào ngành hàng này ở Việt Nam, các tập đoàn toàn cầu có khuynh hướng đầu tư lớn để mua lại các chuỗi cung ứng lúa gạo hiện tại nhằm gia tăng mở rộng thị phần trên thị trường toàn cầu.
Mặt khác, cũng cần thấy triển vọng thị trường lúa gạo trong thời gian tới vẫn đủ sức hấp dẫn khối ngoại rót vốn cho hoạt động M&A với các DN chế biến xuất khẩu (XK) gạo ở Việt Nam.
Như dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy vào năm 2022, mậu dịch gạo thế giới sẽ đạt 47 triệu tấn, cao hơn 42% so với mức trung bình những năm 2015 – 2020.
Một câu hỏi đặt ra là liệu khi mua lại nhà máy chế biến gạo ở Việt Nam, tập đoàn lớn ở nước ngoài có thể giúp nâng thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới hay không? Hiện, gạo Việt chưa có thương hiệu đủ lớn, phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến thị phần trong thương mại quốc tế.
Nói về vấn đề thương hiệu lúa gạo trên thị trường toàn cầu, theo Gs.Ts Võ Tòng Xuân cho biết các công ty kinh doanh gạo nổi tiếng trên thế giới phần lớn dùng giống lúa phổ biến đạt chất lượng hợp khẩu vị người tiêu dùng, chứ không phải từ giống lúa riêng của công ty họ lai tạo.
Giới đầu tư ngoại thấy rõ mặt hạn chế của thương hiệu gạo Việt |
Khỏa lấp khiếm khuyết
Chẳng hạn, giống lúa Koshihikari làm nguyên liệu của nhiều thương hiệu gạo Nhật Bản. Giống Hom Mali (Khao Dawk Mali) trong nhiều thương hiệu gạo Thái Lan. Hay giống Arborio dùng cho nhiều thương hiệu gạo Italia. Giống IR64 VN làm nguyên liệu thương hiệu gạo ARI của Mỹ. Đáng chú ý, cùng một giống lúa Koshihikari, hàng trăm công ty lương thực Nhật Bản đã sản xuất hàng trăm thương hiệu gạo khác nhau.
SunRice cũng được ghi nhận là một trong những DN lớn nhất trên thế giới tiêu thụ gạo Japonica, có thương hiệu tại hơn 60 quốc gia. Tập đoàn này đã sử dụng nguồn cung ứng cả gạo Japonica và Indica từ Việt Nam trong hơn 10 năm.
Trong vòng ba năm gần đây, SunRice đã mua 200 triệu USD gạo và hiện chiếm khoảng 5% lượng gạo XK của Việt Nam. Ngoài việc mua gạo, tập đoàn này còn hợp tác trong chuỗi giá trị gạo Việt Nam để phát triển năng lực gạo Japonica XK có giá trị cao cho thị trường toàn cầu.
Theo Gs.Ts Võ Tòng Xuân, hơn 24 năm trước (1993-1994), có công ty gạo của Mỹ là American Rice Inc. đã liên doanh với VinaFood Cần Thơ, dùng chỉ một giống lúa IR64 (gạo trắng trong, hạt dài) hợp đồng với nông dân Ô Môn và Thốt Nốt (Cần Thơ) sản xuất để chế biến XK với thương hiệu nổi tiếng ARI đi Nam Mỹ và Trung Đông.
"Vì vậy, nếu khéo xây dựng thương hiệu gạo Việt sẽ giúp DN chiếm thị phần lớn hơn. Nó còn làm cơ sở cho quốc tế hóa, nổi trội so với đối thủ cạnh tranh và tăng mức lợi nhuận cho DN. Nhưng điều này đòi hỏi cần có những DN có tầm và thật tâm với lúa gạo Việt", ông Xuân chia sẻ.
Thực tế là gạo Việt hiện đang đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới khi người tiêu dùng toàn cầu ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng – mùi vị và dinh dưỡng hơn.
Cho nên, việc M&A của tập đoàn từ Australia vào một nhà máy chế biến gạo của Việt Nam chính là sự khỏa lấp những mặt còn khiếm khuyết của gạo Việt hiện nay, nhất là cần kiện toàn cơ sở vật chất chế biến gạo để trang bị nhà máy hiện đại (gồm máy sấy, xay, đánh bóng, tách màu, phân loại hạt, đóng gói, silo hoặc kho chứa lúa/ gạo) đạt chuẩn HACCP – vốn được nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc áp dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm.
Trên thực tế, các tập đoàn lúa gạo toàn cầu cũng thấy rõ những mặt hạn chế của gạo Việt trong việc xây dựng giá trị cho thương hiệu, xét ở góc độ XK và tiêu thụ nội địa.
Nhiều mặt hàng gạo XK chỉ mang tên gọi chung vô cảm là gạo 5%, 25% tấm hoặc phải "mặc áo" các loại gạo nước ngoài. Việc gạo Việt không có thương hiệu chính là rào cản lớn nhất cho việc tái chiếm thị phần gạo toàn cầu.
Nói như vậy để thấy sự cần thiết của một môi trường kinh doanh thuận lợi để các nhà đầu tư ngoại yên tâm rót vốn vào lĩnh vực chế biến kinh doanh XK gạo nhằm góp phần thúc đẩy gia tăng giá trị XK gạo và nâng tầm thương hiệu gạo Việt trong tương lai.
Thế Vinh