Tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ III năm 2018, Bộ NN&PTNT đã công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam. Logo thương hiệu gạo Việt Nam vừa là hình hạt gạo, vừa là hình trái đất mang thông điệp thương hiệu gạo Việt Nam đạt chất lượng và uy tín trên toàn thế giới.
Bước khởi đầu
Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.
Đến nay, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam không chỉ đáp ứng nguồn cung trong nước mà còn tham gia ngày càng mạnh mẽ vào thị trường xuất khẩu (XK). Gạo Việt Nam hiện đã được XK tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Vì vậy, logo thương hiệu gạo Việt Nam sẽ khẳng định được giá trị thương hiệu gạo Việt Nam đối với các nước có thế mạnh về nông nghiệp lúa gạo trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Toản cũng cho rằng logo chỉ là bước khởi đầu nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành quy chế sử dụng logo để các doanh nghiệp (DN) sử dụng khi XK. Về nguyên tắc, không phải tất cả gạo Việt Nam đều có gắn logo này, mà chỉ có những sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhất định về chủng loại, chất lượng.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, logo thương hiệu gạo của Việt Nam đánh dấu một bước tiến của ngành lúa gạo. Trước đây đã có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nghĩa là DN sẽ đánh mất đi thương hiệu của mình, giảm tính cạnh tranh.
Việc có logo thương hiệu gạo Việt Nam sẽ chấm dứt được suy nghĩ sai lầm đó và thực tế thành công từ thương hiệu gạo Thái Lan đã chứng minh điều này. Có logo thương hiệu sẽ là con đường để ngành lúa gạo Việt Nam vươn ra thế giới, đi sâu vào các thị trường khó tính.
Tuy nhiên, ông Thủy nhấn mạnh, đây chưa phải là điều kiện đủ để ngành này đi xa hơn, mà mới chỉ là bước đầu trong xây dựng thương hiệu gạo và điều thiết yếu nhất vẫn là nâng cao chất lượng hạt gạo.
Ông Thủy phân tích, bản chất của hạt gạo nằm ở chất lượng. Năm 2018, dự kiến XK gạo đạt 6,15 tấn, tăng 6% về lượng nhưng tăng tới 20% về giá trị so với năm 2017. So với giá bình quân thế giới, giá gạo Việt đang cao hơn gạo của Thái Lan (435 USD/tấn), gạo Ấn Độ (410 USD/tấn). Tuy nhiên, nếu so từng mặt hàng của chủng loại gạo nếp, gạo thơm của Việt Nam lại thấp hơn so với Thái Lan, Ấn Độ 25-30%.
"Thắng lợi vừa rồi là thắng lợi cơ cấu gạo chứ không phải của giá gạo", ông Thủy nhấn mạnh.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho rằng có logo thương hiệu gạo khi XK, khách hàng nhìn vào sẽ biết đó là gạo Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chính là chất lượng sản phẩm, mà vấn đề này gắn liền với uy tín và thương hiệu của DN. Nếu sản phẩm tốt thì giá bán, uy tín DN mới cao; Việt Nam có nhiều DN như vậy thì thương hiệu gạo quốc gia mới có giá trị.
Khai mạc lễ hội Festival lúa gạo lần thứ III và công bố logo thương hiệu "Gạo Việt Nam" |
Còn nhiều việc
Điều này cho thấy yêu cầu phát triển gạo chất lượng cao rất cấp thiết. Tuy nhiên, từ thực tế, ông Nguyễn Sơn Tiên, Tổng Giám đốc CTCP sản xuất thương mại xuất nhập khẩu gạo Việt (OrgaGro), cho biết Việt Nam có thế mạnh phát triển ngành lúa gạo nhưng hiện còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có câu chuyện về giống.
Hiện, Việt Nam có rất nhiều giống gạo song chất lượng không ổn định. Nhiều đối tác nhập khẩu rất quan tâm đến gạo Jasmine nhưng chất lượng gạo Jasmine của Việt Nam hiện nay lại không bằng Thái Lan vì bị lai tạo nhiều.
Việt Nam không có giống nào đúng như gạo Jasmime chuẩn thế giới. Khi ăn thử, đối tác sẽ thấy sự khác biệt rõ của hai loại gạo này về màu sắc, hình dáng, vì thế nhiều đối tác còn lưỡng lự.
Ông Martin Albani, chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế, dẫn ra những điển hình trong xây dựng thương hiệu gạo mà Việt Nam cần phải học từ các nước trong khu vực. Như ở Thái Lan, các loại gạo XK luôn luôn có chỉ dẫn địa lý, điều này không chỉ giúp người tiêu dùng thế giới tin tưởng mà còn được bán với mức giá cao hơn nhiều so với gạo thông thường.
"Người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền nếu nhận được gạo có nguồn gốc rõ ràng", ông Martin Albani cho biết.
Hay tại Campuchia, ngành lúa gạo nước này bắt đầu gần như từ "tay trắng" đi lên, tuy nhiên nhờ việc luôn chú trọng nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, Campuchia đã khiến người tiêu dùng biết tới gạo của mình.
Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, trong những năm tới, giá gạo sẽ tiếp tục tăng nhưng tính cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhu cầu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực; trong khi các quốc gia XK gạo tăng cường xuất ra thị trường.
Năm 2019, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Mỹ vẫn là những nước XK gạo lớn nhất thế giới. Tương lai, Trung Quốc cũng trở thành nhân tố chủ chốt trên thị trường thế giới. Vì vậy, điều quan trọng với ngành lúa gạo Việt Nam là phải tiếp tục cởi trói "nút thắt" thể chế, nâng cao chất lượng hạt gạo và xây dựng thương hiệu. Đây là "ba mũi công" dẫn dắt ngành lúa gạo trong năm 2019.
Trong đó, về chất lượng, cơ cấu sản phẩm gạo phải phù hợp với người tiêu dùng thế giới như người Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… thích gạo thơm, dẻo, còn người châu Phi lại thích gạo trắng. Do vậy, dù thay đổi cơ cấu chủng loại thế nào, chất lượng vẫn phải là ưu tiên số một.
Về thể chế, chính sách đất đai cần phải sửa đổi để xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn, từ đó cơ giới hóa trong sản xuất. "Xây dựng HTX, hình thành các trang trại lớn, có DN tham gia dẫn dắt chuỗi sản xuất. DN và nông dân như chiếc đũa có đôi. Có như thế mới kiểm soát được đầu vào lẫn đầu ra, đảm bảo chất lượng hạt gạo", ông Thủy nhấn mạnh.
Đồng thời, tiếp tục quảng bá đưa thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam ra thị trường thế giới bằng cách tăng khả năng nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng ngành lúa gạo muốn thành công cần đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại an toàn, chất lượng.
Đồng thời, sự quan tâm của các cấp, lãnh đạo liên quan có vai trò quan trọng và then chốt. Sự liên kết thương mại chặt chẽ và linh hoạt giữa nông dân và DN là điều kiện tiên quyết.
Làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, tập trung theo hướng chuyên canh, lựa chọn những giống có năng suất cao, chất lượng đưa vào canh tác đồng loạt.
Cuối cùng là đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tính kỷ luật của nông dân khi tham gia liên kết.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) Thương hiệu phải được xây dựng từ chất lượng sản phẩm. Trong một chuỗi giá trị hạt gạo, chất lượng phải đi từ hạt giống, quy trình sản xuất tốt, quá trình chế biến an toàn… Để làm được như vậy cần phải có những DN lớn. Đó là một chuỗi nhiều vấn đề về chính sách, kỹ thuật cũng như quyết tâm chung sức, chung lòng của cả cộng đồng. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) Hiện nay, cơ cấu chủng loại XK gạo trắng cấp thấp, trung bình và gạo trắng phẩm cấp cao của Việt Nam vẫn chiếm gần 40%. Trong khi đó, các thị trường cạnh tranh về XK gạo với Việt Nam đang ngày càng đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng gạo. Điều này cho thấy yêu cầu phát triển gạo chất lượng cao rất cấp thiết. Gs.Ts. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ Cần có sự thay đổi rõ nét về cơ cấu giống, đây chính là nhân tố tạo ra những bước ngoặt cho ngành lúa gạo, góp phần quan trọng nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo. Bên cạnh đó, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chính là mấu chốt cho những thành công bước đầu của tiến trình cơ cấu lại ngành lúa gạo. |