Theo Bộ NN&PTNT, lượng gạo xuất khẩu (XK) tháng 12/2018 đạt 414 nghìn tấn với giá trị đạt 203 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo năm 2018 đạt 6,1 triệu tấn, giá trị 3,04 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 15,3% về giá trị so với năm 2017.
Vẫn phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Bước sang năm 2019, bức tranh thị trường XK gạo đang khá sáng sủa. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý I/2019 sẽ tăng nhẹ tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia do hai nước này vừa bị ảnh hưởng mạnh bởi thiên tai. Bên cạnh đó, sau khi Philippines gỡ bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, đã có 166 công ty nước này nộp đơn xin mua 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng gạo Việt Nam.
Tuy vậy, trước mắt ngành lúa gạo vẫn còn phải đối mặt với nhiều rào cản. Ngay đối với thị trường Philippines, chính sách mới của quốc gia này yêu cầu tất cả gạo nhập khẩu sẽ bị đánh thuế ở mức 35% nếu có nguồn gốc từ ASEAN và 50% với các nước ngoài khối.
Do đó, việc XK gạo sang Philippines sẽ dễ dàng hơn nhưng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nước XK gạo khác trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Đáng chú ý, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc – thị trường truyền thống của Việt Nam, có thể có nhiều áp lực lớn do nước này thay đổi chính sách quản lý biên mậu, tăng cường nhập khẩu chính ngạch; tăng cường đầu tư sản xuất gạo tại các nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Thống kê cho thấy năm 2018, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam với 23,7% thị phần. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường XK gạo nếp lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 82% tổng khối lượng gạo nếp XK; còn với gạo Japonica và gạo giống Nhật, Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam. Điều đó có nghĩa bất kỳ chính sách thắt chặt nào từ thị trường Trung Quốc cũng khiến ngành lúa gạo Việt Nam gặp khó khăn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết hiện các thị trường có xu hướng bảo hộ rõ rệt với ngành lúa gạo. Cụ thể, bên cạnh thuế quan, các thị trường còn dựng lên các hàng rào về an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, các tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mỗi thị trường tự đưa ra các tiêu chí riêng.
Đơn cử, trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc đã đưa thuế suất mặt hàng gạo nếp xuống thấp nhưng Trung Quốc lại tìm cách đưa thuế lên cao hơn. Với thị trường Liên minh Kinh tế Á – Âu, mặt hàng gạo XK phải theo hạn ngạch.
Các thị trường khác cũng có những tiêu chuẩn riêng yêu cầu mặt hàng gạo phải tuân thủ. Vì vậy, để đáp ứng các quy định của các nước, không còn cách nào khác, doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng các năng lực về sản xuất, xay xát, đảm bảo chất lượng sản phẩm gạo.
Được dự báo sẽ khởi sắc, song XK gạo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Tìm cách gỡ "nút thắt"
Để đáp ứng được yêu cầu này chắc chắn không hề dễ dàng với gạo Việt. Hiện nay, các chuyên gia cho rằng gạo Việt Nam có chất lượng thấp và không đồng đều.
Gạo Việt XK chủ yếu là gạo trắng, phân khúc thấp nhất của thị trường, dễ dàng thâm nhập vào các quốc gia có thu nhập thấp.
Hơn nữa, các DN gạo phụ thuộc lớn vào hệ thống thu mua gạo thông qua các thương lái nên không dễ truy xuất nguồn gốc của lúa gạo và làm giảm chất lượng gạo.
Phân tích ở thị trường Trung Quốc, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho biết điểm yếu của DN Việt Nam là chưa tận dụng các kênh phân phối hàng của Trung Quốc. DN chưa kết nối tốt với các công ty, tập đoàn phân phối lớn của Trung Quốc, dẫn tới ở Bắc Kinh, gạo Thái Lan chiếm vị trí áp đảo so với gạo Việt Nam tại các kệ hàng siêu thị.
Chưa kể, ngành lúa gạo vẫn còn những "nút thắt" nội tại cần phải tháo gỡ. PGs.Ts. Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ, cho biết khó khăn về thị trường của ngành lúa gạo là khó tạo ra sản phẩm chất lượng cao từ người sản xuất, chuỗi giá trị lúa gạo qua nhiều trung gian và sản xuất tách rời nhu cầu thị trường, thông tin và định hướng thị trường còn yếu và thiếu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế…
Về khó khăn tổ chức sản xuất kết nối với thị trường, theo ông Sánh, chuỗi cung ứng qua liên kết giao thông và logistics còn yếu và thiếu đồng bộ. Hơn nữa, sản xuất và XK gạo Việt Nam một thời gian dài tập trung tăng lượng hơn tăng chất, có những mô hình và kỹ thuật tiến bộ nhưng khó tổ chức và nhân rộng.
Nói về chuỗi liên kết, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng việc liên kết DN – nông dân đang hình thành từ mô hình cánh đồng mẫu lớn cho thấy những tác động hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội. Trong liên kết cánh đồng mẫu lớn, DN tiêu thụ được coi là đầu tàu, là tác nhân điều phối mọi hoạt động liên kết.
"Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, từng hộ sản xuất nhỏ lẻ không thể thực hiện được chuỗi giá trị. Chỉ có cách liên kết với nhau mới đủ năng lực XK lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung, qua đó làm gia tăng giá trị chuỗi sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết sẽ giúp tạo ra khối lượng lớn sản phẩm đồng đều, có chất lượng, giá trị cao, hiệu quả hơn cho việc xây dựng thương hiệu", ông Thòn nhấn mạnh.
Cùng với đó, hiện nay, hoạt động thương mại đang diễn biến theo một xu hướng mới, các hợp đồng chính phủ dần ít đi và thay vào đó là các hợp đồng thương mại. Xu hướng đấu thầu quốc tế cũng được các nước nhập khẩu gạo ưu tiên lựa chọn.
Đồng thời, xu hướng áp dụng công nghệ trong sản xuất và thương mại gạo đang diễn ra phổ biến. Việc dùng sàn giao dịch để thúc đẩy thương mại gạo cũng là hướng đi mới cho hạt gạo. Đó là những vấn đề mà DN, nông dân Việt Nam cần phải nắm bắt.
Lê Thúy
Ông Weraphone Charoenpanit - Tổng Giám đốc công ty TNHH Syngneta Việt Nam Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam vẫn diễn ra trên quy mô nhỏ, còn nhiều sản phẩm gạo chưa đạt chất lượng là do người nông dân vẫn chưa tiếp cận được nhiều biện pháp hướng dẫn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Như ở Thái Lan, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn người nông dân ở công đoạn trên và các công ty thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải phổ biến cho người nông dân. PGs.Ts. Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL Muốn phát triển ngành lúa gạo cần có chính sách đầu tư về chuỗi cung ứng qua liên kết giao thông và logistics, đánh giá và sử dụng đất hiệu quả, tham gia 4 nhà trong cánh đồng mẫu lớn cần được quan tâm. Đồng thời, các mô hình thành công về ứng dụng PPP cần đánh giá hiệu quả và nhân rộng trong các vùng chuyên canh lúa gạo trọng điểm. Bên cạnh đó, phát triển các giá trị về phụ phẩm và chức năng khác của lúa gạo cũng là cơ hội kêu gọi đầu tư. Ông Phạm Quang Diệu - Giám đốc CTCP phân tích thị trường Agromonitor Gạo là thị trường hết sức phức tạp, kinh doanh gạo hết sức rủi ro. Để tăng cường năng lực cạnh tranh trong XK gạo, Việt Nam nên đa dạng chủng loại gạo, đa dạng thị trường; Nhà nước giảm can thiệp; Hiệp hội Lương thực đóng vai trò kiểm soát, kiến tạo, hỗ trợ phát triển thị trường của các DN. |