Không như đa số bi quan về sự thắng thế của khối ngoại trong kênh bán lẻ ở Việt Nam hiện nay, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và châu Úc về Số hóa bán lẻ, cựu Giám đốc kinh doanh của Unilever Việt Nam, nhận định các nhà bán lẻ trong nước sẽ vẫn "sống được".
Hiểu người tiêu dùng
Theo ông Sơn, cách đây 10 năm, nói đến những nhà bán lẻ đầu tư vào Việt Nam người ta sẽ nghĩ tới các doanh nghiệp (DN) từ châu Âu. Thế nhưng cách đây 3 năm, các nhà bán lẻ này đã biến mất, chỉ còn lại một DN.
Khoan bàn đến vấn đề họ bị các "ông lớn" từ Thái Lan thâu tóm, ông Sơn đặt vấn đề về hạn chế của những nhà bán lẻ ngoại, đó là: "Họ có thực sự am hiểu người tiêu dùng Việt Nam bằng chính các DN nội hay không? Chắc chắn là không!"
Nên biết rằng lợi thế đầu tiên của các nhà bán lẻ nội địa là những người hiểu rõ nhất về thị trường bán lẻ Việt. Thêm nữa, ở kênh bán lẻ hiện đại, vị trí là cực kỳ quan trọng, lợi thế này không phải các DN Việt không có.
Ngay cả câu chuyện kinh doanh của hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam (đã đổi tên thành MM Mega Market) cũng cần mổ xẻ để các DN Việt hiểu rõ sau thương vụ Tập đoàn bán lẻ Metro AG của Đức bán lại cho Tập đoàn Central (Central Group) của Thái Lan từ cách đây hơn 2 năm.
Ông Sơn cho biết dư luận đặt nhiều dấu hỏi về Metro AG vào Việt Nam để làm gì, họ có phải đơn thuần kinh doanh lấy lãi hay còn ý gì khác, rồi vấn đề về nộp thuế. Người ta tính ra Metro lãi đậm sau thương vụ bán cho tập đoàn của Thái. Và sau khi rút ra, họ kéo cả đống tiền ra khỏi Việt Nam trong khi việc đóng thuế còn nhiều tranh cãi.
"Tôi không biết các cơ quan quản lý nghĩ gì về chuyện này. Nhưng cá nhân tôi thấy rằng họ vào Việt Nam kinh doanh nhưng sao lại làm kỳ thế. Họ vào nước ta một thời gian rồi bán lại, nhất là giá trị về đất trong khi lại lách thuế. Vậy nếu như sau này họ trở lại Việt Nam và gõ cửa các cơ quan quản lý thì liệu chúng ta có còn "trải thảm" chào đón hay không?", ông Sơn lưu ý.
Đó chính là những vấn đề hạn chế của các nhà bán lẻ ngoại mà các DN nội nên biết và nắm rõ các lợi thế cơ bản nhất. Ngay chính một chuyên gia của Thái Lan từng nói rằng những nhà đầu tư lớn có thể đến Việt Nam rồi đi, nhưng các DN trong nước sẽ vẫn ở đó và tiếp tục phát triển. Thậm chí, những DN bán lẻ nội hoàn toàn có tiềm năng để phát triển thành các tập đoàn lớn.
Các nhà bán lẻ nội địa cần tận dụng lợi thế hiểu rõ người tiêu dùng Việt |
Tận dụng lợi thế
Tuy nhiên, để "sống được", các DN bán lẻ nội địa còn rất nhiều việc để làm, nhất là tận dụng lợi thế về việc hiểu rõ người tiêu dùng Việt. Tại hội thảo xoay quanh xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam tổ chức ở Tp.HCM ngày 27/6, một nghiên cứu được DKSH Smollan (nhà cung cấp dịch vụ field marketing hàng đầu châu Á, chuyên hoàn thiện những dịch vụ cuối cùng của chuỗi cung ứng cho đối tác) đưa ra cho thấy, khi ngành bán lẻ Việt phát triển ổn định, hoạt động tiếp cận khách hàng của các kênh bán lẻ lại càng trở nên thử thách hơn.
Trước thử thách đó đòi hỏi các DN bán lẻ Việt cần tối đa hóa trải nghiệm mua sắm với sự hỗ trợ của những giải pháp kỹ thuật số tại cửa hàng. Đây được xem như chìa khóa cho sự thành công của DN nội ở ngành hàng tiêu dùng trong tương lai.
Các kết quả nghiên cứu khảo sát người tiêu dùng gần đây rất đáng để các DN bán lẻ nội địa lưu tâm. Đó là gần 70% quyết định của người mua sắm được hình thành trong cửa hàng và 20% người mua sắm có những quyết định mua hàng ngẫu nhiên, không định trước.
Trong đó, có 28% số lượng sản phẩm mà chỉ khi đến cửa hàng thì người tiêu dùng mới quyết định nhãn hàng nào nên mua. Thêm vào đó, gần 25% người tiêu dùng nhận thấy những sản phẩm mà họ đã mua ngoài kế hoạch là do bị ảnh hưởng bởi việc trưng bày trên quầy kệ. Cuối cùng, cứ 10 người mua sắm sẽ có 1 người chuyển sang sản phẩm của một nhãn hàng khác tại cửa hàng.
Với sự thu hẹp quy mô số khẩu trung bình của một hộ gia đình, người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu có xu hướng mua sắm các sản phẩm mang tính tiện lợi hơn. Đặc biệt ở các vùng đô thị, những cửa hàng tiện lợi đã trở nên phổ biến hơn.
Ông Hồ Mai Hồ, Giám đốc ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của DKSH Việt Nam, cho rằng việc tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng được xem như chìa khóa cho một chiến lược bán lẻ thành công hiện nay.
Để tăng thị phần trong môi trường thách thức này, các nhãn hàng FMCG có thể lựa chọn tung ra sản phẩm mới hoặc mở rộng sang nhiều cửa hàng và kênh trực tuyến.
Tuy nhiên, những hoạt động này đòi hỏi các DN nội cần một quá trình nghiên cứu, phát triển và đầu tư tiếp thị đáng kể, trong khi không gian ở các quầy kệ siêu thị thường bị giới hạn.
Vì thế, điều cực kỳ cấp thiết mà các DN nội trong kênh bán lẻ cần làm là tối ưu hóa hoạt động cung ứng của những sản phẩm hiện hữu tại những không gian bán lẻ, nhất là tối đa hóa sự hiện diện và dễ dàng nhìn thấy ở tất cả các cơ hội bán hàng, cũng như bảo đảm một nguồn cung ứng sản phẩm tối ưu cho người mua sắm.
Thế Vinh