Vài năm trước, khi nói về các yếu tố gây cản trở trong hoạt động ngành phân phối và bán lẻ nội địa, Ts. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), đã từng lưu ý các vướng mắc cần tháo gỡ trong chính sách chung về quản lý thị trường, về thuế, về khó khăn trong tiếp cận mặt bằng kinh doanh, giá thuê mặt bằng và hành động của cơ quan quản lý địa phương.
Tiềm ẩn "giấy phép con"
Cho đến nay, phía AVR lại phải tiếp tục kiến nghị để ngăn ngừa những chính sách do Bộ Công Thương đưa ra trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối có thể tiềm ẩn "giấy phép con" đối với ngành hàng quan trọng này.
Như chia sẻ của AVR, nên bỏ bớt những quy định trong dự thảo về các quy định ở dạng liệt kê về các đợt giảm giá, giờ giấc đóng cửa, về hàng hóa… vừa không đảm bảo đầy đủ, vừa hạn chế quyền kinh doanh, nhất là các quy định về giảm giá là chưa phù hợp, nên để doanh nghiệp (DN) tự quyết. Còn việc kiểm soát các đợt giảm giá để tránh phá giá sẽ được kiểm soát theo pháp luật về cạnh tranh.
Trong ngành phân phối và bán lẻ hiện nay, việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ là hết sức cần thiết.
Vậy vì sao nội dung bản dự thảo về lĩnh vực này do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chắp bút lại bị phản ứng nhiều khi mới đây ra lấy ý kiến?
Trong những phản hồi của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về dự thảo này có nhấn mạnh: Một số quy định không rõ mục tiêu quản lý nhà nước và có nguy cơ biến tướng thành điều kiện kinh doanh bất hợp lý.
Điển hình là quy định "thời gian mở cửa: siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h sáng đến 22h tối" là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN. Đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần hoặc không nên can thiệp.
Ngay cả quy định giới hạn về đợt bán hàng giảm giá, các quy định ràng buộc về giảm giá tại dự thảo Nghị định, theo VCCI, là chưa hợp lý ở các điểm: Tính thống nhất: Siêu thị hay trung tâm thương mại không phải là hoạt động đặc thù để đi ngược lại hoặc có chính sách quy định riêng về khuyến mại (trong khi chính sách khuyến mại chung đã có).
Phía VCCI cho rằng việc đặt ra nhiều yêu cầu đối với hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại trong khi chưa đánh giá một cách cụ thể tác động của các quy định này đối với hoạt động kinh doanh có thể khiến chính sách chưa phù hợp, cản trở đến hoạt động kinh doanh của DN.
Không thể thêm rào cản
Vụ Thị trường trong nước, sau khi vấp phải phản ứng từ dư luận đối với dự thảo Nghị định, cuối tuần qua đã nêu ý kiến: Khi đề xuất xây dựng dự thảo này, mục tiêu Bộ Công Thương đưa ra là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, đồng thời đảm bảo tính kế thừa của các quy định còn phù hợp của các văn bản có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này.
Với mục tiêu đã nêu, Vụ Thị trường trong nước cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nên nhắc lại, một cuộc thăm dò đánh giá của DN về hiệu quả các chính sách đối với ngành bán lẻ trong nước từng cho thấy đến 60% DN trả lời rằng họ không thấy có chính sách hỗ trợ bán lẻ và trên 80% cho biết chính sách "trên giấy", không có hiệu quả thực tế. Chưa kể, khoảng 65% DN cho rằng chính sách hỗ trợ có lợi cho khối ngoại hơn DN nội địa.
Trong khi đó, thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ phát triển ấn tượng và hấp dẫn trên thế giới. Trong tổng thể, ngành phân phối và bán lẻ đang chiếm một lực lượng đáng kể (cả về số lượng chủ thể kinh doanh lẫn số lao động) và được cho là cao nhất trong tất cả các ngành nghề kinh tế.
Đáng chú ý là giống như nhiều lĩnh vực khác, trong ngành này, khối ngoại tuy chiếm số lượng khiêm tốn nhưng áp đảo về doanh thu và hiệu quả kinh doanh so với tổng số hàng ngàn chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi và khoảng 2 triệu cửa hàng bán lẻ truyền thống của khối nội.
Để vượt qua tình trạng này, một mặt các DN nội trong ngành bán lẻ đang rất cần những chính sách hỗ trợ hợp lý chứ không phải là "đẻ" ra thêm các quy định bất hợp lý nhằm giúp ngành này khắc phục những tồn tại mang tính hệ thống mà từng DN trong nước không thể giải quyết được hoặc khó có thể giải quyết hiệu quả.
Trên thực tế, nhiều quy định trong các văn bản pháp luật liên quan đến ngành phân phối lâu nay bị đánh giá là còn bất cập, chưa thực sự thuận lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho DN nội hoạt động trong ngành bán lẻ. Vì vậy cần phải được xử lý trong khuôn khổ các hoạt động cải cách thể chế và thủ tục hành chính của Chính phủ chứ không thể điều chỉnh riêng với ngành bán lẻ.
Thế Vinh