Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam XK hơn 62,4 nghìn tấn cao su sang thị trường EU, đạt kim ngạch 111 triệu USD (tăng 15,43% về lượng và 64,44% về trị giá so với cùng kỳ 2016), với giá thành bình quân đạt trên 1.780 USD/tấn.
Cửa “hẹp” vào EU
EU là một trong những thị trường tiềm năng nhất của XK cao su Việt Nam. Từ ngày 13/9, việc XK cao su sang thị trường này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, khi EU vừa thông báo chính thức đưa cao su thiên nhiên vào danh sách “hàng hóa nguyên liệu thô đặc biệt quan trọng” và nhấn mạnh yếu tố “đảm bảo nguồn cung an toàn, bền vững và giá cả hợp lý”.
Nhiều chuyên gia đánh giá động thái này sẽ làm tăng cạnh tranh và thúc đẩy sản xuất cao su tự nhiên, ngoài các nước sản xuất truyền thống. Vì vậy, cao su Việt Nam khi xuất sang thị trường này sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ lớn như Thái Lan (chiếm 32% tổng nguồn cung toàn cầu), Indonesia (26%), Ấn Độ (8%)…
Hiện tại, Việt Nam được EU xếp vào tốp 4 nước sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, với xấp xỉ 8% tổng nguồn cung. Song EU nhấn mạnh rằng Indonesia mới là nguồn cao su tự nhiên lớn nhất của châu Âu, chiếm 32%, theo sau là Malaysia (20%), Thái Lan (7%) và Bờ Biển Ngà (12%).
Lợi thế mới của Việt Nam là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ chính thức được triển khai từ năm 2018. Nhưng để tận dụng được lợi thế về thuế suất ưu đãi khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) XK cần chủ động tìm hiểu và xây dựng kế hoạch về điều chỉnh chuỗi cung ứng, các nguyên liệu đầu vào để đảm bảo đáp ứng các “quy tắc xuất xứ”.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), nhấn mạnh: “Trong cuộc đua XK cao su, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại là khả năng kiểm soát nguồn cung hiệu quả. Đây cũng là vấn đề mà các nước trồng, XK cao su hàng đầu thế giới đang phải cùng nhau bàn tính”.
Theo VRA, hiện tại, hầu hết các quốc gia sản xuất cao su hàng đầu đều tuyên bố không, hoặc hạn chế, trồng mới thêm diện tích cao su nhằm tránh cung tăng hơn cầu, đẩy thị trường chung vào khó khăn.
Các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã “bắt tay” nhau thành lập Hội đồng Cao su quốc tế ba bên để theo dõi, kiểm soát thị trường tốt hơn. Việt Nam cũng được mời tham gia hội đồng này, nhưng kinh phí tham dự quá lớn khiến ngành cao su Việt Nam vẫn “đứng ngoài”.
Cửa vào thị trường EU sẽ “hẹp” hơn, nhưng xét về tổng thể, XK cao su Việt Nam được dự báo sẽ có một năm tăng trưởng tích cực, với giá cao su XK sẽ tiếp tục xu hướng tăng từ nay đến cuối năm, khi cung – cầu cao su trên toàn cầu tiếp tục thâm hụt.
Trong cuộc đua xuất khẩu cao su, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại là khả năng kiểm soát nguồn cung hiệu quả.
Tương lai nhiều biến động
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 9/2017, Việt Nam XK 174.000 tấn cao su, trị giá 279 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và 6,4% về trị giá, giá xuất bình quân 1.603,4 USD/tấn, tăng 4,6% so với tháng 8; đưa tổng lượng XK cao su trong 9 tháng đầu năm lên hơn 979.000 tấn, trị giá 1,66 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và 52,7% về trị giá, giá xuất bình quân 1.695,6 USD/tấn, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường số 1 của cao su Việt Nam, với 69% tổng kim ngạch, đạt 509.500 tấn, trị giá 867 triệu USD, tăng 25,82% về lượng và 73,05% về trị giá, giá xuất bình quân 1.701,5 USD/tấn, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp theo là Malaysia (7%) và Hàn Quốc (4%).
Các thị trường chủ lực của cao su của Việt Nam như Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển… cũng có sự tăng trưởng tốt. Đáng chú ý, thị trường Singapore tuy chỉ đạt 198 tấn, trị giá 297.700 USD nhưng so với cùng kỳ có mức tăng vượt trội, gấp hơn 4,4 lần về lượng và 5,2 lần về trị giá, giá xuất bình quân 1.503,5 USD/tấn, tăng 18,8%.
Không chỉ giá XK, giá thu mua cao su tại thị trường nội địa cũng tăng, giá bình quân trong tháng đạt 14.375 đồng/kg mủ chén dây khô và 10.050 đồng/kg mủ chén ướt, tăng lần lượt 9,7% và 15,3% so với tháng 8/2017. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su dạng nước khá cao, hơn 12.500 đồng/kg.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, từ nay đến hết năm 2017 và tương lai xa hơn, thị trường có thể có những biến động, DN cần chủ động, linh hoạt ứng phó.
“Để ứng phó với những biến động của thị trường, các DN cần nghiên cứu thông tin để nắm bắt được đặc điểm riêng từng thị trường nhằm đảm bảo thành công và hiệu quả của việc XK, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ để tránh bị điều tra, hoặc bị áp dụng những hình thức phòng vệ thương mại…”, ông Thuận nhấn mạnh.
Văn Nguyễn