Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 8 đạt 393 triệu USD, giảm 17,6% so với tháng 7 và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này vẫn tăng mạnh 30,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 3,3 tỷ USD.
Việt Nam nhập tới trên 9,9 triệu tấn ngô/năm, chiếm gần một nửa tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu (Ảnh: Int) |
Trong 8 tháng, giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ Achentina đạt gần 1,14 tỷ USD, chiếm 34,3% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này. Tiếp đến là thị trường Mỹ đạt 552,39 triệu USD (tăng mạnh 67,5% so với cùng kỳ), chiếm 16,6%; thị trường Brazil đạt 393,49 triệu USD, chiếm 11,8%...
Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ thị trường EU 8 tháng đầu năm cũng tăng mạnh trên 55,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 273,21 triệu USD; nhập khẩu từ thị trường ASEAN tăng 17%, đạt 244,22 triệu USD.
"Nhìn chung, nhâp khẩu thức ăn gia súc từ hầu hết các thị trường chủ đạo trong 8 tháng đầu năm 2021 đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020", Tổng cục Hải quan thông tin, đồng thời dự kiến nhập khẩu nhóm hàng này trong cả năm 2012 sẽ đạt trên 4 tỷ USD.
Trước đó, giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2020 đạt 3,84 tỷ USD, tăng 3,7% so với năm 2019, trong đó 3 thị trường Argentina, Mỹ và Brazil chiếm 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) của mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%, giảm thuế nhập khẩu của lúa mì xuống 0%, nhằm giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo Bộ Tài chính, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% giá thành sản xuất, nhưng lại chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Mỗi năm, Việt Nam nhập tới trên 9,9 triệu tấn ngô, chiếm gần một nửa tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, tương ứng gần 2 tỷ USD; trong khi lúa mì nhập khẩu đạt 125 triệu USD.
Theo Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá ngô hạt tăng 35%, khô dầu đậu tương tăng 35,5%, cám mì tăng 32,8%; giá nguyên liệu tăng đẩy giá thức ăn thành phẩm tăng từ 12-14% tùy loại. Đa số doanh nghiệp phải nhập khẩu trên 90% nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi nên giá nguyên liệu nhập khẩu tăng đã tác động trực tiếp tới giá thức ăn chăn nuôi trong nước, khiến các doanh nghiệp chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ và gặp nhiều khó khăn.
Đ.N