Trong khi vụ các container của doanh nghiệp điều Việt Nam nghi bị lừa đảo tại Italia vẫn chưa có kết luận cụ thể thì tại buổi tọa đàm: “Tối ưu chi phí logistics và nhận diện rủi ro trong xuất khẩu nông sản thực phẩm”, có ý kiến cho rằng phương thức thanh toán D/P là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất trắng nhiều container hàng. Vì sao các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu điều ra thế giới lại chưa cẩn thận như vậy?
5-10% DN chọn thanh toán L/C
Trong logistics, có hàng loạt các mắt xích như vận tải, kiểm kê, bốc xếp hàng, đóng gói vật tư, đóng gói bao bì, đàm phán, thanh toán… trong các khâu này, thì rủi ro nhiều nhất chính là khâu thanh toán.
Hiện, doanh nghiệp xuất khẩu có thể áp dụng một số phương thức thanh toán quốc tế như: Điện chuyển tiền (T/T), trả tiền nhận chứng từ (D/P - Documents against Payment), thư tín dụng (L/C - Letter of Credit).
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết phương thức thanh toán T/T đơn giản, ít thủ tục và bên xuất và nhập hàng có thể thỏa thuận người mua chuyển tiền trước 20-30%, số tiền còn lại chuyển sau khi scan bộ chứng từ và trước khi hàng tới cảng người mua.
“Thường phương thức này được áp dụng với những đối tác đã làm lâu năm, có độ tin cậy cao. Còn nếu không có độ tin cậy thì dù có nhận tiền trước 30% mà chẳng may xảy ra rủi ro thì cũng không đủ thay đổi cục diện "cuộc chơi" vì giá cả biến đổi hàng ngày. Khi không thấy hợp lý, đối tác sẽ hoàn toàn bỏ hàng và chi phí từ làm thủ tục, bốc hàng, vận chuyển hàng… thuộc về người xuất hàng”, ông Hải chia sẻ.
Còn đối với phương thức D/P, người bán và người mua sử dụng ngân hàng như một đơn vị trung gian. Sau khi giao hàng, người bán gửi bộ chứng từ đến ngân hàng người mua. Ngân hàng chỉ giao chứng từ cho người mua sau khi người mua đã thanh toán tiền hàng.
Ông Đặng Đình Long, CEO Công ty cổ phần đầu tư thương mại Mega A, cho biết nếu áp dụng phương thức D/P, khả năng rủi ro của người bán sẽ thấp hơn vì nếu người mua không trả tiền thì sẽ không thể lấy được hàng. Tuy nhiên, người bán chắc chắn mất thêm công sức, chi phí để đưa hàng về hoặc tìm khách hàng khác để bán lại lô hàng đó. Đặc biệt nếu xuất khẩu sang các nước phát triển, hàng không đạt các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật còn buộc phải tiêu hủy nên phía xuất hàng sẽ cầm chắc phần lỗ trong tay.
Nhiều doanh nghiệp ngành điều đang gặp khó khăn khi xuất khẩu hàng sang Italia. |
Ngoài hai phương thức thanh toán trên, còn có phương thức thanh toán L/C. Để đảm bảo việc thanh toán thì ngân hàng thường yêu cầu người mua phải ký quỹ trước một số tiền nào đó, thậm chí là 100% giá trị của hợp đồng. Do vậy, người mua trong trường hợp này sẽ bị chôn vốn ở ngân hàng. Như vậy, L/C là phương thức thanh toán đảm bảo nhất cho người bán, nhưng đồng thời cũng bất lợi nhất cho người mua.
Theo ông Trần Thanh Hải, L/C tuy là một phương thức thanh toán ít rủi ro nhất, nhưng lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản. Bởi mặt hàng nông sản có giá trị thấp, mỗi lô hàng xuất đi có trị giá vài trăm nghìn USD. Phía mua cũng không mua nhiều một lúc, mà mua gối đầu, từng lô nhỏ. Nếu lô hàng nào cũng mở L/C thì mỗi tháng có khi đến vài chục L/C. Mở L/C thì phải ký quỹ ngân hàng, không 100% thì cũng phải một tỷ lệ nào đó. Như vậy, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng, lên đến cả tháng trời.
“Không doanh nghiệp mua hàng nào muốn như thế cả. Nếu mình phía doanh nghiệp Việt cứ khăng khăng đòi thanh toán theo hình thức L/C thì họ sẽ đi tìm người bán khác”, ông Hải chia sẻ.
Đồng tình vấn đề này, ông Đặng Đình Long cho biết thời gian để nhận được L/C của ngân hàng bên mua thông thường cũng khá dài, ít nhất phải một tuần mà giá thị trường thì biến động, thay đổi từng ngày. Trong khi phải nhận được L/C thì người bán mới có thể giao hàng. Đã mua bán thì ai cũng muốn kết thúc thương vụ nhanh chóng.
“Hiện nay, chỉ có 5-10% doanh nghiệp lựa chọn thanh toán theo hình thức L/C đối với mặt hàng nông sản”, ông Long nói.
Bàn rồi mới bán
Có thể thấy, dù là phương thức thanh toán quốc tế nào đi chăng nữa thì cũng có mức độ rủi ro nhất định và tùy vào từng mặt hàng và từng đối tác, các doanh nghiệp, HTX sẽ lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là hiện nay, doanh nghiệp nào cũng muốn bảo đảm được vấn đề liên kết làm ăn lâu dài. Bởi muốn chắc chắn, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án giao tiền mặt 100% mới xuất hàng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của không ít chuyên gia logistics, cách này chỉ phù hợp khi doanh nghiệp, HTX xuất khẩu với số lượng hàng nhỏ còn nhược điểm là sẽ tự giới hạn khả năng bán hàng của chính mình vì thế giới đang cổ vũ cho việc xây dựng niềm tin, chứ không bán hàng theo kiểu “tiền trao cháo múc”.
Vấn đề đặt ra ở đây là quy trình xuất khẩu nông sản, hay còn gọi là logistics không chỉ đòi hỏi rất nhiều giấy tờ, chứng từ, các công đoạn khác nhau mà nó còn phụ thuộc vào thói quen, tập quán của đối tác.
Ngoài luật pháp thì mỗi đất nước, mỗi ngân hàng có tập quán, quy định khác nhau nên sẽ phát sinh nhiều kẽ hở. Trong khi các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX nên quá trình tiếp cận khách hàng chưa thấu đáo, có khi chưa tìm hiểu kỹ, chưa điều tra kỹ về đối tác mua hàng nên có thể gặp nhiều rủi ro trong quá trình xuất khẩu.
Mỗi khâu trong quá trình xuất khẩu đều có thể xảy ra rủi ro nên các doanh nghiệp, HTX cần cẩn trọng trong từng bước. |
Bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp Hội Thực phẩm Minh Bạch) cho biết, trong quá trình làm hồ sơ xuất khẩu điều có dấu hiệu bất thường, đó là đích nhập hàng về là ở Italia nhưng đối tác lại yêu cầu mở hồ sơ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy dấu hỏi đặt ra là tại sao Italia thiếu gì ngân hàng mà lại mở ở Thổ Nhĩ Kỳ?
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp, HTX đang thiếu kinh nghiệm trong xuất khẩu, cũng như thiếu kiến thức logistics. Nếu nhà xuất khẩu chịu khó tìm hiểu có thể thấy những rủi ro trong xuất nhập khẩu mà đích đến là Italia và Thổ Nhĩ Kỳ là lớn hơn so với những đơn hàng xuất đi Mỹ, Bắc Âu.
“Hai nước này hoạt động gian thương khá nhộn nhịp nên doanh nghiệp phải cảnh giác cao độ, các thông tin về logistics, tập quán sản xuất kinh doanh của đối tác cũng phải nắm kỹ để tránh tình trạng bị lợi dụng kẽ hở”, bà Liên cho biết.
Một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản sạch ở TP. HCM cho biết, để yên tâm, lúc đầu doanh nghiệp có thể thực hiện phương thức thanh toán 100% nhất là đối với khách mới. Sau khi tạo được niềm tin có thể thanh toán theo hình thức 70/30 hoặc 50/50. Tuy nhiên, trong quá trình làm chứng từ, nhiều đối tác thường gài những câu từ bất lợi cho phía xuất khẩu. Nếu không đọc kỹ, không tìm hiểu hoặc kiến thức logistics chưa thấu đáo thì rất dễ bị thiệt hại.
Đặc biệt, nhiều khi cùng một quy định về hóa đơn, chứng từ nhưng các nhân viên, các cán bộ ở mỗi ngân hàng khác nhau lại nhìn nhận vấn đề một cách khác nhau, bởi họ không có kiến thức cọ xát về xuất nhập khẩu, logistics và không nắm được hợp đồng nên rất khó tư vấn cho doanh nghiệp, HTX.
Để hạn chế rủi ro trong xuất khẩu hàng, ông Đặng Đình Long cho biết bất kỳ một khâu nào trong quá trình xuất khẩu cũng có thể tiềm ẩn rủi ro. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần bàn kỹ trước khi quyết định bán hàng. Tức là trong quá trình đàm phán, các doanh nghiệp, HTX cần làm rõ các điều kiện, điều khoản, tìm hiểu thông tin, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đối tác rồi mới ký hợp đồng.
Nếu giai đoạn đầu càng kỹ thì giai đoạn sau càng nhàn. Bởi theo ông Long, chỉ cần chi phí sửa chữa hồ sơ thôi cũng có thể ăn luôn vào lãi của doanh nghiệp, HTX. Hoặc nếu xảy ra tranh chấp, rủi ro phải có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn. "Do đó, dù có thắng kiện thì thời gian kéo dài, chi phí lưu hàng tăng lên, nông sản chưa chắc đã bảo đảm được chất lượng ban đầu", ông Long nói.
Như Yến