Như VnBusiness đưa tin, tại họp báo vụ việc 100 container hạt điều trị giá hàng trăm triệu USD xuất khẩu sang Ý các doanh nghiệp có nguy cơ bị lừa ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Trưởng ban kiểm tra Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, hiện nay các ngân hàng Việt Nam đều mất liên hệ với bên Ý, hoặc không nhận sự trả lời.
Các chuyên gia cảnh báo việc xuất khẩu điều theo hình thức thanh toán D/P gặp nhiều rủi ro. |
Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Việt Nam đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P).
Cụ thể, theo hình thức này, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ trao chứng từ gốc cho ngân hàng Việt để ngân hàng chuyển sang cho ngân hàng mà nhà nhập khẩu chỉ định. Nhận được chứng từ, ngân hàng đó sẽ yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu thanh toán, thanh toán xong mới trao chứng từ gốc để nhà nhập khẩu nhận hàng.
Trao đổi với báo chí, đại diện một trong năm ngân hàng trong trường hợp nêu trên cho biết, ngân hàng chỉ là bên thực hiện dịch vụ trung gian và hưởng phí khi đối tác chuyển tiền mà không bị ràng buộc hay cam kết nào về trách nhiệm.
Thông tin thêm về việc các bộ chứng từ gốc bị thất lạc, đại diện này cho biết, các ngân hàng đều nhận được phản hồi từ ngân hàng nước ngoài là chứng từ họ đã nhận được nhưng khi kiểm tra thì không có doanh nghiệp nhập khẩu nào có tên như vậy. Nên họ đã gửi trả lại bộ chứng từ.
Tuy nhiên, theo đại diện này, có ngân hàng trong nước nhận được bưu kiện trả lại nhưng khi mở ra lại là giấy trắng, có ngân hàng thì đến nay vẫn không nhận được bưu kiện gửi trả lại.
“Việc chứng từ hiện đang ở đâu thì vẫn chưa thể xác nhận được. Hiện không thể biết ai đã đánh tráo bộ chứng từ hay vấn đề nằm ở khâu nào. Hiện tại, ngân hàng đang phối hợp cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu điều, các Hiệp hội phối hợp để thông qua cơ quan điều tra xác minh vụ việc và tìm lại bộ chứng từ gốc”, đại diện này nói.
Cũng theo vị đại diện này, trong quá trình thực hiện nghiệp vụ, ngân hàng đã phát hiện ra phía ngân hàng nước ngoài đều là các ngân hàng nhỏ không có tên tuổi, tên doanh nghiệp đối tác nhập khẩu hàng cũng rất lạ.
"Lúc đó, phía ngân hàng cũng trao đổi nội bộ và sau đó có thông tin lại và cảnh báo doanh nghiệp tìm hiểu kỹ và cảnh giác vì trường hợp doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng bị lừa đảo mất hàng không phải chưa từng xảy ra. Tuy nhiên sau đó các doanh nghiệp vẫn yêu cầu ngân hàng tiếp tục thực hiện các nghiệp vụ thanh toán như đã ủy quyền", đại diện này thông tin.
Từ vụ việc nghi lừa đảo xuất khẩu 100 container hàng sang Ý, phó chủ tịch Phòng Thương mại Ý - Việt Nam tại Torino cho rằng quan trọng nhất các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam phải chọn cho mình phương thức thanh toán quốc tế và lựa chọn các cán bộ ngân hàng thật sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Chúng ta không vì việc cần phải xuất khẩu, rồi chấp nhận yêu cầu của bên mua mà theo hình thức thanh toán D/P như vậy là không ổn. Ít nhất bên mua phải chuyển trả trước 30%, phần còn lại 70% thanh toán bằng thư tín dụng (LC).
Bởi với phương thức thanh toán này, hàng đến bến cảng bên mua nếu có sự cố thì bên xuất khẩu còn có thể giữ 30% này để trang trải chi phí khi muốn cho hàng quay trở về.
Thanh Hoa