Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, sau khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, 5 doanh nghiệp đã thu hồi lại được các chứng từ và ngăn chặn nhiều lô hàng đến Ý. “Do đó, thực tế hiện tại chỉ có 36 container mất quyền kiểm soát, quy ra giá trị là 7,025 triệu USD, tương đương 162 tỷ đồng”, ông Bạch Khánh Nhựt nói với các phóng viên.
Thương vụ lừa đảo quy mô, tổ chức
Điều đáng lo ngại là bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể gặp hãng vận chuyển để nhận hàng. Ngoài ra, chỉ trong 1 tháng, cả 5 doanh nghiệp hạt điều đều gặp cùng 1 vấn đề với mô típ tương tự. Do đó, phía Vinacas đánh giá nhiều khả năng đây là một thương vụ lừa đảo quy mô tổ chức.
Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó chủ tịch thường trực, Trưởng ban kiểm tra Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) xác nhận, chỉ có 36 container hạt điều bị mất quyền kiểm soát, tổng số tiền thiệt hại là 162 tỷ đồng. |
Theo đại diện Vinacas, hiện nay các ngân hàng Việt đều mất liên hệ với bên Ý, hoặc không nhận sự trả lời. Khi doanh nghiệp phản ánh có dấu hiệu lừa đảo, các ngân hàng Việt Nam yêu cầu phía ngân hàng Ý gửi lại bộ chứng từ gốc. “Tuy nhiên, ngân hàng A tại Ý lại nói đã chuyển chứng từ đến một ngân hàng B, còn phía B lại cho biết không có khả năng thanh toán quốc tế và đã trả lại bộ chứng từ cho ngân hàng A. Sau đó, bên A lại nói có nhận bộ chứng từ nhưng là bản photo, không phải gốc”, ông Nhựt nói.
Hiện, các chi nhánh ngân hàng Ý làm việc với ngân hàng Việt Nam đều có CODE vùng ở một khu vực tại Ý. Những hồ sơ chứng từ gốc đã được ngân hàng Việt Nam gửi đến phía ngân hàng tại Ý, nhưng phía ngân hàng sở tại lại thông báo chỉ nhận được bộ chứng từ bản copy, không phải bản gốc.
Hiện tại đã có 2 – 3 container hàng của doanh nghiệp Việt nằm tại cảng, còn lại hơn 30 container sẽ đến Ý trong tháng 3/2022. Về trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Kim Hạnh Việt - đơn vị môi giới, ông Nhựt cho biết đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới trong 10 năm.
“Vinacas không nhận được các thông tin tố cáo đơn vị này trong suốt thời gian Kim Hạnh Việt hoạt động, bà Huỳnh Kim Hạnh (Đại diện theo pháp luật công ty) đang định cư tại Mỹ, chưa về Việt Nam, nhưng vẫn giữ liên lạc với các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nhựt cho biết.
Hiện nay, Vinacas đã gửi văn bản đến Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại Giao để truyền tải thông tin các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải nhằm nhận sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.
Đại sứ quán nhanh chóng vào cuộc
Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết, khi nhận được thông tin chính thức của Vinacas, Đại sứ quán đã tiếp tục liên hệ với các chủ tàu, xác minh thông tin, cũng như liên hệ các ngân hàng để tìm cách bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Italy.
"Hãng COSCO đã đồng ý không giao lô hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo, mặc dù họ đã có chứng từ gốc, đã nộp phí cảng và đang đòi lấy container ra khỏi cảng. Hãng đã tạm thời ngừng vài ngày để phía Việt Nam có thời gian tiếp tục xử lý."
Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh
Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng đã hướng dẫn những việc cần làm, đồng thời đề nghị các đơn vị có liên quan liên hệ với Tòa án kinh tế quốc tế, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam có ý kiến với các hãng tàu để họ không giao hàng cho người nhận hàng có bộ hồ sơ gốc tại Italy. Ngày 8/3, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italy đã liên hệ và trực tiếp đến hãng tàu COSCO tại thành phố cảng Genoa, phía Tây Italy.
Hiện nay, hãng COSCO đã đồng ý không giao lô hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo, mặc dù họ đã có chứng từ gốc, đã nộp phí cảng và đang đòi lấy container ra khỏi cảng.
Hãng đã tạm thời ngừng vài ngày để phía Việt Nam có thời gian tiếp tục xử lý. Thương vụ đề xuất nên làm việc tương tự với các hãng tàu tại Việt Nam thì sẽ không phức tạp như vậy, bởi đó là nơi xuất phát, là nơi trả tiền thanh toán cước vận chuyển, cũng như hàng hóa là của Việt Nam 100%.
Đại sứ quán Việt Nam tại Italy cũng đã gửi công hàm đến các cơ quan sở tại như Bộ Ngoại giao, Bộ kinh tế phát triển cùng các cơ quan chức năng có liên quan, cũng như các phòng thương mại, ngân hàng, các đối tác có thể hỗ trợ trong vụ việc có giá trị lớn và ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp này.
Trước đó, ngày 9/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã có công văn hỏa tốc gửi đến Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ý liên quan đến việc đơn vị này nhận được "đơn kêu cứu" của một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nhân điều sang Ý, ký hợp đồng với một số khách hàng ở Ý thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt.
Các lô hàng này được vận chuyển bởi các hãng: Cosco, Yangming, HMM, One… đã và đang đến một số cảng của Ý.
Các doanh nghiệp đều gặp tình trạng chung về việc liên tục bị thay đổi mã số định danh nhận diện ngân hàng. Trong đó những hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam gửi tới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ và Ý đều gặp trục trặc trong vấn đề xác nhận danh tính đối tác đã mua hàng từ Việt Nam.
Trà My