Cụ thể, ngày 24/5, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi EVN về việc đàm phán giá tạm thời của các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp.
Tại văn bản này, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện khi đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.
Bộ Công Thương vừa có 2 văn bản yêu cầu một loạt nhiệm vụ với EVN trong việc đàm phán mua điện từ các dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp. |
Sau đó một ngày - ngày 25/5, Bộ Công Thương có văn bản về việc triển khai thực hiện Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5 của Văn phòng Chính phủ gửi gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết điện lực.
Theo đó, thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 182/TB-VPCP, tiếp theo Công văn số 3184/BCT-ĐTĐL ngày 24/5 về việc đàm phán giá tạm thời của các nhà máy điện chuyển tiếp và ý kiến tại cuộc họp cùng ngày về việc đàm phán giá tạm để sớm đưa các nhà máy điện chuyển tiếp đi vào vận hành trong giai đoạn đàm phán, thống nhất giá điện chính thức giữa Bộ Công Thương, EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện chuyển tiếp, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương thực hiện nhiều nhiệm vụ.
Cụ thể, với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện.
Với các nhà máy điện chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm thời, đề nghị EVN khẩn trương ký kết hợp đồng mua bán điện và rà soát các thủ tục để sớm cho vận hành phát điện lên lưới điện. Các nhà máy điện còn lại, EVN khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư trước ngày 27/5 để trình Bộ Công Thương phê duyệt và tiến hành đồng thời với việc hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện.
EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN như thoả thuận đấu nối (nếu đã hết hạn) trước ngày 27/5; hoàn thành thực hiện các thử nghiệm theo quy định tại Quyết định số 25/QĐ-ĐTDL ngày 16/3 của Cục Điều tiết điện lực trước ngày 27/5 đối với các nhà máy điện đã đăng ký thử nghiệm. Xem xét kết quả thử nghiệm của các nhà máy điện, đảm bảo phủ hợp với yêu cầu kỹ thuật và các quy định có liên quan.
Khẩn trương tối đa xem xét các hồ sơ chủ đầu tư nộp, rà soát các yêu cầu đối với chủ đầu tư về thành phần hồ sơ đàm phán giá điện, đảm bảo đơn giản hoá thủ tục nhưng chặt chẽ, hợp lý và đúng quy định.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh theo phân cấp có nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chịu trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đồng thời, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điều tiết điện lực khẩn trương thực hiện công tác cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành.
“Đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện nhằm sớm đưa các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện và khai thác tài nguyên, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư”, văn bảo của Bộ Công Thương nêu.
Trước đó, ngày 23/5, 23 chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị về việc hướng dẫn, chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư về mức giá mua điện tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, thực hiện thanh quyết toán khi có giá chính thức trong hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện.
"Việc Bộ Công thương chưa chỉ đạo EVN về mức giá mua điện gió, điện mặt trời tạm thời và cho phát điện lên lưới theo chỉ đạo của Chính phủ, nên quá trình đàm phán, sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện đối với 23 dự án điện chuyển tiếp vẫn gặp nhiều vướng mắc", 23 nhà đầu tư trên phản ánh.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho biết, đáng lẽ những khó khăn này EVN phải "kêu" giúp doanh nghiệp vì EVN đang muốn ký hợp đồng với doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm kiến nghị chứ không phải các nhà đầu tư "kêu cứu".
Một trong những vướng mắc nhất hiện nay là nếu tính giá mua điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện thì câu hỏi tiếp đó là có cho "hồi tố" hay không - "tức là hôm nay ký hợp đồng tạm tính giá là 50%, vậy 3 tháng sau ký hợp đồng chính thức, lúc đó giá quy định là bao nhiêu thì phải được truy thu từ khi ký hợp đồng tạm tính", ông Thịnh nói.
Thy Lê