Theo thống kê của Euromonitor, trên 70% hộ gia đình Việt Nam đã sở hữu những mặt hàng cơ bản như tủ lạnh, máy giặt, tivi, máy tính cá nhân, nồi cơm điện. Khoảng 30% số hộ sở hữu các mặt hàng cao cấp hơn như điều hòa, lò vi sóng, máy hút bụi… Điều này sẽ khiến việc mở cửa hàng mới của công ty bán lẻ điện máy sẽ khó khăn hơn.
Ít dư địa tăng trưởng
Hồi đầu năm 2018, khi hoàn tất thương vụ bán lại chuỗi siêu thị Trần Anh cho Thế giới Di động, ông Trần Xuân Kiên – cựu Chủ tịch HĐQT Trần Anh, đã trả lời báo chí rằng ông và các cổ đông khác của Trần Anh quyết định rút lui khỏi thị trường hàng công nghệ sau 15 năm là vì "tôi nhìn thấy thị trường này không còn nhiều tương lai". Đồng thời cho biết, ở các thị trường nước ngoài, mức độ tiêu thụ đồ điện máy cũng bắt đầu đi vào ngưỡng bão hòa.
Theo các công ty phân tích thị trường, sau giai đoạn tăng trưởng thần kỳ của ngành bán lẻ điện tử, ở thời điểm này, biểu đồ phát triển của ngành bán lẻ điện máy bắt đầu đi ngang, nhưng có thể 1 – 2 năm tới sẽ rõ nét hơn.
Hãng nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam đánh giá, nhu cầu tiêu thụ điện máy của người dân bắt đầu đến ngưỡng tăng trưởng chậm lại.
Cụ thể, thị trường điện thoại di động tại Việt Nam chỉ tăng trưởng 1% trong năm 2018 so với mức 9% của năm 2017. Trong khi đó, lĩnh vực điện máy tăng trưởng cao hơn, như hàng điện tử (tăng 23,5%), điện lạnh (12,5%), điện gia dụng (3,7%).
GfK Việt Nam cho rằng thị trường bán lẻ điện máy năm nay sẽ sụt giảm ở tất cả các ngành hàng so với các năm trước. Cụ thể, ngành hàng tivi có thể chững lại, chỉ tăng khoảng 10%, máy lạnh tăng 11%, các ngành khác đều tăng trưởng dưới 10%.
Các chuyên gia đánh giá triển vọng dài hạn của top 3 nhà bán lẻ điện máy hàng đầu đã nắm gần 60% tổng thị trường Việt Nam (Thế giới Di động, FPT, Nguyễn Kim) không thực sự tích cực bởi tỷ lệ thâm nhập của mặt hàng điện tử sắp đạt ngưỡng tối đa.
Cụ thể, ở các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng…, lượng người sử dụng hàng điện tử, công nghệ đã chiếm tới 84% dân số.
Mức độ tiêu thụ đồ điện máy bắt đầu đi vào ngưỡng bão hòa |
Mối đe dọa từ thương mại điện tử
Trước những khó khăn do dư địa tăng trưởng ở thị trường này không còn lớn như trước, một số "ông lớn" đã chuyển đổi các cửa hàng di động thiếu hiệu quả ở những thành phố lớn sang các vùng nông thôn, hoặc mở rộng thêm các chuỗi để tăng biên lợi nhuận.
Chẳng hạn, Thế giới Di động đang gia tăng hàng loạt chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh mini ở các thành phố cấp 2. Đồng thời, trong quý I/2019, Thế giới Di động đã thử nghiệm bán đồng hồ thời trang tại hai cửa hàng điện thoại ở Tp.HCM. Hiện tại, các cửa hàng này đã ghi nhận doanh số bán đồng hồ tích cực, đạt trung bình 500 chiếc được bán ra tại mỗi cửa hàng/tháng và đóng góp thêm khoảng 5% doanh số cho cửa hàng. Ngoài ra, "ông lớn" này còn mở rộng mô hình Bách Hóa Xanh.
Tính đến cuối tháng 3/2019, Thế giới Di động có 2.214 cửa hàng đang hoạt động; bao gồm: 1.029 cửa hàng Thế giới Di động, 764 cửa hàng Điện Máy xanh và 421 cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Hai "ông lớn" còn lại là FPT và Nguyễn Kim cũng đang có những hướng đi riêng và dựa vào thế mạnh của mình để phát triển.
Trong khi đó, các tên tuổi nhỏ hơn như Media Mart, Pico… được cho là đang hoạt động cầm chừng và trở thành đối tượng của nhiều thương vụ M&A của những đối thủ trong và ngoài nước.
CTCP Chứng khoán KIS đưa ra nhận định rủi ro lớn nhất của Thế giới Di động chính là ngành bán lẻ di động (mobile) có tỷ lệ thâm nhập đã gần mức tối đa, tăng trưởng có nguy cơ đi ngang hoặc sụt giảm trong tương lai.
Hơn nữa, mối đe dọa dài hạn từ kênh thương mại điện tử bằng sự xuất hiện ngày càng đông đảo của các công ty thương mại hàng đầu trên thế giới tại Việt Nam như Lazada, Tiki, Shopee, Adayroi… vẫn đang miệt mài "đốt tiền" chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới các cửa hàng truyền thống.
Đây cũng là điều mà công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng đã lưu ý trong báo cáo gần nhất, khẳng định sự phát triển của thương mại điện tử là một "quả bom hẹn giờ" với các doanh nghiệp bán lẻ.
Thực tế, dù Thế giới Di động sở hữu các website bán hàng online có lượt truy cập và giao dịch top đầu của Việt Nam như thegioididong. com, dienmayxanh.com và vuivui.com, song cuộc chiến về giá từ các đối thủ online đang muốn tranh giành thị phần rất có thể làm giảm biên lợi nhuận hoạt động của công ty.
Theo KIS, Thế giới Di động đang chào mức giá bán các mặt hàng điện tử cao hơn 5-10% so với đối thủ nhờ uy tín thương hiệu, đồng thời phải chịu chi phí thuê mặt bằng cao hơn.
Thanh Hoa