Hồi tháng 8 năm ngoái, Cục Thuế Tp.HCM có ra quyết định truy thu và phạt một cá nhân 4,1 tỷ đồng vì nhận khoản tiền 41 tỷ đồng trong suốt hai năm từ Google, Facebook mà chưa kê khai thuế.
Cá nhân này có viết một trò chơi có lượt tải rất nhiều trên internet, các kênh Youtube (thuộc quản lý của Google), Facebook đã chạy quảng cáo trên các chương trình này và trả phí, nhưng số phí này không được kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế đúng quy định.
Chưa bịt kín khe hở
Cục Thuế Tp.HCM còn phát hiện một cá nhân khác có hộ khẩu ở Quảng Nam, đang tạm trú ở Tp.HCM cũng được chi trả số tiền khoảng 30 tỷ đồng từ nhà mạng nước ngoài. Tuy nhiên, do cá nhân này không còn sinh sống tại địa chỉ tạm trú ở Tp.HCM nên việc triệu tập làm việc gặp khó khăn.
Đến nay, vấn đề truy thu thuế cá nhân những người kiếm tiền trên internet lại tiếp tục được xới lên tại buổi hội thảo góp ý kiến cho Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM tổ chức mới đây.
Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM, đã phải thừa nhận là cơ quan thuế đang gặp khó trong việc thu thuế các cá nhân, tổ chức kiếm tiền từ Google, Facebook…
Ông Bình đã nhắc lại câu chuyện một cá nhân nhận khoản tiền 41 tỷ đồng từ Google, Facebook nhưng chưa làm nghĩa vụ thuế trong bối cảnh cơ quan thuế hiện vẫn thu thuế rất ít trước số lượng người có thu nhập cao nhờ kiếm tiền từ Facebook, Google ngày càng tăng.
Quan sát chuyện này, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một luật gia chuyên về ngành thuế cho rằng trong sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cũng nên đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa những người kiếm tiền trên mạng internet với tất cả các đối tượng nộp thuế khác trong pháp luật thuế TNCN.
Theo vị luật gia này, khi đã kiếm tiền được từ mạng internet, các cá nhân nên sẵn sàng nộp thuế. Tuy nhiên, có nhiều cá nhân hoạt động kinh doanh online, kiếm tiền từ các nhà mạng nước ngoài như Google, Facebook… lại tìm cách lợi dụng khe hở luật pháp để trốn tránh nghĩa vụ thuế. Cho nên, khi sửa đổi Luật Quản lý thuế cần bịt kín các khe hở đó.
Vị luật gia này cũng cho biết, trước đây, các cá nhân kiếm tiền qua internet thường viện cớ về hoá đơn, chứng từ, thanh toán… để phản đối căn cứ tính thuế trên thu nhập.
Đến nay, trước sự phát triển của công nghệ và việc sửa đổi pháp luật về thuế mang tính chặt chẽ, phù hợp hơn, có sự đồng bộ của hoá đơn, ngân hàng thì việc tính thuế TNCN đối với các cá nhân kiếm tiền online có thể thực hiện được.
Thực tế cho thấy, việc truy thu thuế TNCN đối với các cá nhân kiếm tiền từ internet đến nay vẫn là bài toán nan giải. Đơn cử như ở Tp.HCM, dù hai năm trước, Cục Thuế đã triển khai kế hoạch thu thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), bao gồm: bán hàng hoá, dịch vụ qua internet, Facebook, Google, Youtube…
Hoạt động thương mại điện tử đòi hỏi quản lý thuế phù hợp |
Cần phối hợp đồng bộ
Để thực hiện kế hoạch này, Cục Thuế Tp.HCM đã giao cho chi cục thuế 24 quận huyện tuyên truyền, vận động người kinh doanh qua Facebook tự nguyện đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh và kê khai thuế.
Thế nhưng, nhiều người bán hàng qua Facebook vẫn nghĩ ra đủ chiêu trò nhằm né thuế TNCN, như: tăng cường giao dịch bằng tiền mặt, lập nhiều trang bán hàng, đổi địa điểm kinh doanh, không kê khai chính xác doanh thu, không công khai giá bán…
Một lãnh đạo Cục Thuế Tp.HCM thừa nhận, các cá nhân nhận tiền từ các nhà mạng internet ở nước ngoài nhưng chưa kê khai, làm nghĩa vụ nộp thuế TNCN đang ngày một nhiều hơn, đặc biệt là từ Google, Facebook.
Được biết, trong tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hồi năm ngoái, về quản lý thuế đối với một hoạt động kiếm tiền chính yếu trên internet như TMĐT, Bộ Tài chính khẳng định: "Luật Quản lý thuế hiện hành đã tạo nền tảng và mở đường cho việc phát triển các quy định và kỹ năng mới của quản lý thuế hiện đại, cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường truyền thống và TMĐT thông qua các quan điểm trọng yếu như cơ chế tự khai – tự nộp, nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên thứ 3, hiện đại hóa công tác quản lý thuế (khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử)".
Song song đó, Bộ Tài chính cho rằng "để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và TMĐT nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của TMĐT, mở rộng cơ sở thu thuế thì cần phải có các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này".
Tuy nhiên, các quy định cụ thể như thế nào nhằm ngăn ngừa được các cá nhân kiếm tiền từ internet không trốn thuế, né thuế TNCN thì vẫn còn là câu hỏi lớn.
Ngay trong bản dự thảo Luật Quản lý thuế gần đây cũng đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo hướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế như: Đối với Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại; Bộ Công Thương, Bộ TT&TT, Bộ Công an…
Mặc dù đã có những bổ sung như vậy, nhưng nhiều ý kiến từ giới chuyên gia vẫn chưa yên tâm trong việc chống thất thu thuế và cho rằng nếu một mình cơ quan thuế thì không thể kiểm soát được dòng tiền thu nhập của các cá nhân kiếm tiền qua Facebook, Youtube, Google hay các trang TMĐT khác.
Điều này đòi hỏi cần sự phối hợp đồng bộ, liên thông của các cơ quan có liên quan, nhất là hệ thống ngân hàng thông qua việc kiểm soát dòng tiền từ các nhà mạng chi trả cho cá nhân.
Thế Vinh
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Hiện nay, có nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh tận dụng mạng xã hội để kiếm tiền nhưng không kê khai doanh thu và trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Trước đó, ngành thuế đã truy thu thuế với nhiều cá nhân kinh doanh online trên các mạng xã hội với số tiền hàng tỷ đồng, nhưng đó mới chỉ là một vài trường hợp điển hình, vẫn còn rất nhiều cá nhân, tổ chức có doanh thu lớn từ mạng xã hội nhưng không kê khai đóng thuế. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Phần lấy tiền mặt từ việc bán hàng có doanh thu không nhiều, doanh thu lớn nhất của các kênh bán hàng trên Facebook chủ yếu qua giao dịch hệ thống ngân hàng. Vì vậy, phải kết nối số liệu doanh thu với các ngân hàng đó. Phía các ngân hàng phải có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu. Khi ngành thuế nắm được luồng tiền, luồng hàng thì mới kiểm soát được. Ông Nguyễn Nam Bình - Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM Số lượng người có thu nhập cao nhờ kiếm tiền từ Facebook, Google ngày càng tăng nhưng cơ quan thuế thu thuế rất ít. Cục Thuế Tp.HCM đề xuất cần có cơ chế phối hợp giữa các đơn vị ngân hàng với cơ quan thuế trong việc quản lý thông tin giao dịch của các cá nhân tổ chức được trả thu nhập từ các công ty nước ngoài như Google, Facebook… |