Theo tỉnh Bắc Giang, năm 2021, diện tích vải thiều trên địa bàn tỉnh đạt 28.100ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó diện tích vải sớm 6.050ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn; vải chính vụ 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn; thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20/5- 20/7/2021 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ 20/5; vải thiều chính vụ từ 1/6).
Sản lượng vải thiều Bắc Giang dự kiến tăng 15.000 tấn so với năm 2020. |
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn rất phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều. Để tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang năm 2021 đạt kết quả tốt, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp, hỗ trợ xây dựng chương trình đẩy mạnh phân phối sản phẩm vải thiều Bắc Giang qua "Gian hàng Việt trực tuyến" và trên các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm vải thiều hướng tới một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số.
Căn cứ Công văn 9331 của Bộ Công Thương ngày 4/12/2020 về việc phối hợp hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất Việt, hợp tác xã địa phương qua "Gian hàng Việt trực tuyến" trên các sàn thương mại điện tử, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết đã ban hành Quyết định số 2509 ngày 18/12/2020 phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, bước đầu có kết quả tích cực.
Trước đó, quả vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã được Bộ Công Thương hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử, nhận được sự đón nhận tích cực của người dùng. Ông James Dong, Giám đốc Điều hành của Lazada Việt Nam, chia sẻ đơn vị này đã bán ra gần một nửa tấn vải u trứng trắng của Hải Dương chỉ sau 4 giờ ngay ngày mở bán đầu tiên trái vải lên sàn thương mại điện tử Lazada. "Đây là sự khởi đầu tuyệt vời giữa các bên, thúc đẩy hoạt động kinh doanh nông sản thông qua sàn thương mại điện tử, đem về giá trị cao cho nhà bán hàng địa phương là nông dân, HTX", ông James Dong đánh giá.
Thy Lê